Chùa Phi Lai Địa Tạng (Hay Còn Gọi Là Chùa Đùng) toạ lạc ở thôn Ninh Trung- Liêm Sơn- Thanh Liêm- Hà Nam. Cách Hà Nội tầm 60km di chuyển bằng oto hết tầm 1 tiếng. Cứ Google là chị ý chỉ đường tận nơi.
Chùa có ban Tam Bảo, Nhà Thờ Tổ, Nơi Thờ Đức Ông, Đức Thánh Hiền. Cả quần thể ngôi chùa nhìn từ xa ẩn mình và được che chở giữa rừng thông. Ngôi chùa vừa có kiến trúc đẹp, vừa gợi lên cảm giác thanh tao, thoát tục mà bất kỳ ai có dịp đến đây cũng có thể cảm nhận
Du khách lần đầu tìm đến thăm chùa, sẽ không khỏi bất ngờ bởi phần sân trước khuôn viên chùa được trải sỏi màu trắng, ngay trước tổ đường, 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định, dạo quanh khuôn viên, nhìn những viên sỏi trắng tinh khiến lòng người trở nên thanh thoát hơn bao giờ.
Nên đi vào ngày thường thì đỡ đông hơn ạ, ngày lễ hoặc cuối tuần mọi người vãn cảnh đông nên không cảm nhận hết sự thanh tịnh nơi đây ạ.
Giống như bố cục của các ngôi chùa truyền thống, lớn nhất là tòa Tam Bảo. Tượng Đức Địa Tạng hiện lên sự hiền nhưng toát lên vẻ uy nghiêm, đặt trong tổng thể kiến trúc hài hòa lấy màu nâu, vàng, trắng làm chủ đạo.
Bên phải tòa Tam bảo là nhà thờ Tổ, nơi tôn nghiêm thờ 42 đời tổ sư từng trụ trì tại chùa. Ngoài ra còn có tòa điện nhỏ thờ Phật Bà Quan Thế Âm, Đức Ông và Đức Thánh Hiền, khu nhà ở (dành cho Tăng ni – Phật tử ở trong chùa), khu giảng đường (nơi các Tăng ni – Phật tử nghe sư trụ trì giảng đạo hàng ngày và diễn ra các khóa tu tại đây), khu nhà khách (dành cho những du khách thập phương và những người tham gia các khóa tu, các trải nghiệm tại chùa).
1. Phương Tiện Đi Lại.
Nếu có điều kiện thì đi xe riêng là tiện nhất , vì đường vào chùa cũng khá nhỏ xe to đi tránh nhau cũng hơi mệt . Cách Hà Nội 60km nên mình đi hết tầm 1 tiếng thôi. Nếu không kết hợp đi các nơi khác thì tầm 7h bắt đầu di chuyển là hợp lý. Đường đi thì cứ theo chị Google là ok, dọc theo quốc lộ 1A. Đến tp Phủ Lý vẫn men theo QL 1A, đến đoạn phố Tâng- Thanh Hương thì rẽ phải quay đầu, sau đó rẽ vào một ngõ như đường làng, và di chuyển theo gg map là đến nhé.
2. Đồ lễ mọi người có thể mua từ nhà hoặc đến chùa khu bên ngoài chùa đều có bán nhé.
3. Về trang phục cho chuyến đi:
Vì đi bộ khá nhiều nên mọi người nên mang dép quai hậu- hoặc giày bệt, thể thao để tiện di chuyển và không đau chân. Trang phục thì vốn đi chùa thì nên mặc trang phục kín đáo, độ dài phù hợp với chốn tôn nghiêm, thanh tịnh. Chùa có kiến trúc cổ nên thích hợp với các cổ phục, áo dài. Màu sắc thì cứ màu trầm xíu là hợp cảnh lắm ạ.
Đạo cụ mang theo quạt, sách, nón, mũ, ô trong để diễn nhá.
4. Ăn uống:
Nên mang theo đồ ăn đi vì ở chùa bên ngoài cũng có dịch vụ nhưng chủ yếu là đồ ăn vặt và đồ uống ( Thị thấy ko ngon lắm).
5. Khám phá Chùa
Để khám phá hết những điểm đến tại chùa, bạn không thể chỉ dành 1 ngày mà có thể đi hết được. Bởi muốn khám phá tất cả các dãy núi của chùa phải mất đến cả ngày, còn trèo từ chân núi lên đỉnh núi cao nhất nơi có vườn ổi, nhãn… mất khoảng 2h đồng hồ.
Nếu muốn trải nghiệm lên đỉnh núi bạn phải đi theo đường suối và phải thật kiên trì bởi có những đoạn bạn sẽ phải leo lên bằng dây thừng, có những đoạn phải cúi khom người chui qua một hang dài chỉ cao 1m và còn nhiều điều bất ngờ đặc biệt khác chờ bạn tự mình khám phá qua con đường này.
Chùa có gần 20 điểm dừng chân khác nhau trên con đường lên tới đỉnh núi. Các vườn thiền có thể là trải đá trắng, có vườn thiền là thảm cỏ xanh rì, có vườn thiền lại là những viên gạch cổ khắc họa tiết rồng thời Lý. Bên cạnh đó còn có những không gian thưởng trà, nằm võng, ghế đã để ngắm toàn bộ không gian chùa từ trên cao.
Chúc cả nhà có một chuyến vãn cảnh tìm được sự an yên chốn bồng lai.