Nếu bạn lỡ trót thích những căn homestay ở Đà Lạt, hay những khung trời mộng mơ giữa núi rừng ở Bali. Thì sự xuất hiện của homestay Nhà của Mây, sẽ đáp ứng đủ hết những tiêu chí đó của bạn: một căn homestay đầy đủ tiện nghi, nằm lỏm thỏm giữa núi rừng, sáng mở cửa ra mây tràn vào tận cửa, mỗi thời khắc sáng tinh mơ, trưa, chiều tối, trong ngày là một quang cảnh mới hoàn toàn khác.
“Homestay”, còn được hiểu theo nghĩa là “Home from home”. Đó là bạn sẽ ở lại trong nhà của một người dân bản địa và sinh hoạt cùng với họ. Ở một góc nhìn nào đó, thì bạn sẽ giống như một thành viên trong gia định của họ. Và điều đương nhiên là bạn vẫn phải làm thủ tục đặt và thuê phòng, không khác những loại hình khác.
Ở những vùng du lịch phát triển, homestay có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Đối với vùng núi Cấm, sự xuất hiện một căn homestay là một điều rất mới mẻ, không chỉ đối với khách du lịch mà còn người dân sinh sống tại nơi đây. Bởi vì, từ trước đến nay người dân nơi đây chỉ kinh doanh lưu trú bằng việc mở nhà trọ, nhà nghỉ là chủ yếu, nên việc xuất hiện một loại hình lưu trú mới mẻ như homestay, bungalow… như một làn gió mới cho du lịch nơi đây.
Và người hưởng lợi nhiều nhất có lẽ là dân du lịch tụi mình, có căn homestay đầu tiên, sẽ có căn thứ hai, thứ ba được mở ra trên khắp núi Cấm này, đó là chuyện của tương lai. Còn chuyện của hiện tại, homestay Nhà của Mây vẫn đang giữ vị trí đầu tiên và duy nhất có mặt tại Núi Cấm, ngọn núi mang nhiều tên gọi khác nhau: Thiên Cấm Sơn, “Đà lạt của miền Tây”, ” Nóc nhà của miền Tây”….
Có nhiều lí do để mình chọn đến homestay này:
– Homestay đầu tiên xuất hiện trên Núi Cấm, với view check-in đẹp chẳng khác gì Đà Lạt, những nơi khác hay thậm chí có thể xem đây là “khung trời Bali” của Núi Cấm.
– Tư duy kinh doanh văn minh và hiếu khách của chủ nhà.
– Một không gian tĩnh lặng, tránh xa được
những ồn ào của cuộc sống bên ngoài.
-Giá 1 căn lớn 400k/đêm/4 người ở, tính ra đi một nhóm 4 người thì mỗi người tốn có 100k. Căn nhỏ 200k/đêm/2 người. Các bạn liên hệ trực tiếp qua page Nhà của Mây để đặt phòng nha
Dưới đây là kinh nghiệm của mình để đến với Homestay Nhà của Mây.
Từ Sài Gòn có nhiều hãng xe để đến được An Giang, nhưng mình chọn điểm dừng là huyện Tri Tôn. Có các hãng xe như: Phương Trang có 2 chuyến 16h30 và 23h. Hùng Cường 21h và 23h45. Thời gian mình nghĩ thích hợp nhất là 23h, vì từ Sài Gòn về đến Tri Tôn tầm 6 tiếng, chưa kể 20ph xe ghé trạm dừng chân, nên tầm 5h sáng là bạn đã đến được huyện Tri Tôn rồi. Khi đến huyện Tri Tôn, bạn nói nhà xe trung chuyển bạn đến Khu du lịch Lâm Viên núi Cấm.
Tại đây bạn có 2 lựa chọn để lên núi, xe ôm và cáp treo
Xe ôm: bất kể thời gian nào cũng có, giá 1 lượt lên núi và chở đến tận homestay luôn là 60k/người.
Cáp treo: 180k/ người/ khứ hồi + vé vào cổng 20k nữa là 200k. Nhưng phải chờ đến sáng cáp hoạt động mới lên núi được, nên sẽ mất thời gian chờ đợi cho bạn nào đi chuyến xe đêm từ Sài Gòn. Thêm nữa đến trạm dừng trên núi, bạn phải tốn thêm 30k/ người thuê xe ôm chở đến Homestay.
Giữa cáp treo và xe ôm nên chọn phương tiện nào?
Nếu đi xe ôm, bạn sẽ được chở thẳng lên tận homestay chỉ tốn 60k lượt lên, 60k lượt về, tổng cộng là 120k. Cáp treo bạn sẽ tốn 200k/ khứ hồi + 2 lượt xe ôm đưa đón 60k nữa là 260k.
Cáp treo sẽ dành cho người lớn tuổi, những người tâm lý bất an, dễ sợ hãi hay lo lắng, đi cáp treo sẽ có cảm giác được an toàn và an tâm hơn.
Còn đi xe ôm, cảm giác ban đầu có vẻ hơi sợ, nhưng sợ chỉ là một loại cảm giác xuất hiện của tâm lý mà thôi. Đường lên núi được đổ bê tông hết rồi, nên độ an toàn rất cao, cộng thêm kinh nghiệm chở khách lên xuống hàng trăm lượt mỗi ngày của các bác tài, thì bạn yên tâm đi xe ôm trải nghiệm cảm giác mạnh chinh phục đỉnh núi Cấm nơi được xem là “nóc nhà của miền Tây” với những con dốc thẳng đứng nhé, bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ phía bên dưới, những ô ruộng như được tô vẽ khi vào mùa lúa chính….
Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp cho các bạn có thêm một địa điểm mới khi đến tham quan An Giang.