Trà Vinh quê mình, du lịch chưa phát triển nhiều, nhưng món ngon thì rất đa dạng và được kết hợp giữa nét văn hoá ẩm thực của dân tộc Kinh và dân tộc Khơmer tạo nên nhiều món ngon, lạ nhưng vẫn hợp khẩu vị đại đa số mọi người, đừng bỏ lỡ những món ngon này khi đến Trà Vinh quê mình nha.
1.Bánh tét Trà Cuôn
Điều đầu tiên, về hình dáng bên ngoài, bánh tét Trà Cuôn khi cầm lên tay bạn sẽ có cảm giác “chắc nịch”, đầy đặn hơn hẳn so với các loại bánh tét thông thường. Lớp lá bên ngoài hơi bạc màu đi vì được nung chín kỹ, xung quanh là dây lát buộc chặt cùng tấm nhãn để quảng bá thương hiệu “Bánh tét Trà Cuôn”.
Khi lột lớp lá ra (bạn có thể dùng sợi chỉ để thái lát cho bánh không bị nát như khi dùng dao), bạn sẽ thấy bên trong là một lớp nếp xanh đậm đều màu bọc lấy lớp nhân với đậu xanh vàng cùng thịt mỡ, tôm khô và trứng muối cực kỳ bắt mắt.
Nhìn xem, hầu như lát bánh nào cũng có lượng trứng khá nhiều thay vì với các bánh tét thập cẩm khác, người ta chỉ cho trứng vào để “có vị” với lượng rất ít.
Từ trước giờ, ăn bánh tét cứ là ngán lắm chứ chẳng phải ngon mê như này đâu. Ăn một miếng, đầu lưỡi vẫn còn vương vấn vị bánh mà cứ muốn ăn thêm nữa mà thôi. Không chỉ thơm ngon về hương vị, bánh tét nói chung và bánh tét Trà Cuôn nói riêng, đều có những nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng với sức khỏe. Đậu xanh có tính mát, giải nhiệt, thanh độc, phần nhân bánh có thịt mỡ, trứng cung cấp nhiều calo, chất đạm, … đầy đủ dinh dưỡng cho mọi người.
2. Bún nước lèo
Một trong những nguyên nhân tạo nên sự khác biệt có lẽ là nguyên liệu địa phương cùng với đó là kinh nghiệm nấu ăn của các mẹ, các chị Trà Vinh.
Nguyên liệu tạo nên món bún nước lèo Trà Vinh nói giản dị mà lại không đơn giản. Điều tạo nên sự khác biệt và dấu ấn cho món ăn chính là mắm bò hóc. Không có mắm bò hóc thì không thể nào nấu ra hương vị bún nước lèo chuẩn. Món mắm của người Khmer Nam Bộ làm cho vị nước lèo ngon hơn, đậm đà hơn. Không chỉ vậy, mùi mắm khiến cho mình mỗi lần ngửi thấy là lại “đổ mồ hôi lưỡi”.
Ngoài mắm, nước lèo còn được cho thêm thịt cá đã lấy hết xương, thịt heo bằm và nấm rơm vào. Chính vì vậy mà nước dùng lại càng ngon hơn. Bên cạnh đó, bạn còn phải nắm được tỉ lệ nêm nếm sao cho thật vừa ăn. Mấy lần ăn các quán Sài Gòn không ngọt thì mặn khiến cho món bún mất đi vị ngon vốn có.
3. Bánh canh Bến có
Bánh canh Bến Có – đặc sản Trà Vinh gắn liền với địa danh ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ít người biết rằng món bánh canh Bến Có lại có nguồn gốc từ một quán ăn ven đường nằm trên quốc lộ 53 của ấp Bến Có nhỏ nhắn này. Nếu ai đã dừng chân nơi đây, ắt hẳn đã thưởng thức món này và không thể chê vào đâu được.
4. Bún Suông
Ai chưa từng thưởng thức món bún suông thường chỉ hình dung đó là một loại bún ăn suông đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là không rau, không thịt, không gia vị. Vì thế khi tô bún dọn ra nghi ngút khói và cực bắt mắt với những cọng bún nhỏ, miếng chả cá chiên to bản, chả tôm, nước dùng trong veo điểm xuyết màu vàng ươm, béo ngậy của gạch tôm, hầu hết thực khách đều ngạc nhiên.
Bún suông còn được gọi là bún đuông. Ngay cả những bậc cao tuổi cũng không biết xuất xứ của món bún này, nhưng đều đồng tình tên gọi của món ăn xuất phát từ chả tôm, nguyên liệu quan trọng nhất của món bún được tạo hình giống con đuông, một loại sâu trong ngọn dừa. Vì là sâu ăn đọt dừa non nên đuông là loại sâu sạch và là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhờ vị thơm, ngọt và vị béo hiếm có.
5. Mắm bò hóc
Mắm bò hóc (prahok hay pro hoc) là một món ăn gắn liền với người Khmer ở Campuchia cũng như người Khmer ở Nam Bộ từ bao đời nay. Mới nghe qua tên gọi, nhiều người cứ ngỡ nguyên liệu chính của món ăn này phải là thịt bò. Thật ra, mắm bò hóc được chế biến khá công phu từ các loại cá nước ngọt vùng sông nước như cá lóc, cá sặc, cá phi, cá lù đù… Mắm bò hóc, tuy là món ăn dân dã, bình dị những đã “đốn tim” không ít du khách ngay lần đầu tiên thưởng thức.
Ở vùng biên giới Campuchia, món mắm bò hóc được chia thành ba dạng khi dùng. Tên gọi mắm Prahok jien (tức mắm bò hóc chiên) là loại mắm sống được trộn với thịt heo hoặc thịt bò và ớt rồi chiên dùng ăn kèm dưa leo, cà tím hoặc cơm. Bữa cơm gia đình có món mắm chiên vừa lạ miệng vừa lạ mắt thì còn gì bằng. Những người thích ăn mắm trộn thịt, gói lá chuối rồi nướng lửa thì chọn mắm Prahok gop hay Prahok an
6. Chù ụ rang me
Chù ụ nhìn khá giống con ba khía, thuộc loại giáp xác, mai sần sùi, thân cục mịch, chậm chạp. Ngoài ra, một điểm để nhận biết khá là mặt chù ụ nhìn lúc nào cũng buồn buồn. Phải chăng chính những đặc điểm đó mà người dân đặt cho nó cái tên như vậy. Chù ụ thường sống ở khu vực nước lợ, rừng ven biển và nhiều nhất là ở vùng biển Trà Vinh.
Khi chù ụ được bắt về, nó được làm sạch, bỏ vỏ vào trong chảo dầu, xào với hành tỏi cho thơm phức. Nước cốt me được chuẩn bị sẵn đổ vào chảo đảo đều lên cho đến khi chù ụ ngấm đều và mùi thơm hấp dẫn. Tuy là món ăn cầu kỳ, nhưng nó chỉ mất khoảng 10 -15 phút để chế biến thôi. Chù ụ chín sẽ được bày ra đĩa cho thật bắt mắt, thu hút người ăn lập tức.
Chù ụ hấp dẫn ở cả hương, vị và sắc. Đó là ở vị chua ngọt của me kết hợp với béo ngậy của chù ụ tạo thành món ăn có mùi thơm đậm đà, hấp dẫn. Đặc biệt, là phần càng chù ụ giòn rụm, thịt chắc và ngọt nước vô cùng. Món ăn được ăn kèm với rau thơm, dưa leo, rau răm chấm với muối tiêu, ớt xanh làm người ăn càng bị nghiền.