Một trong những mảnh đất không thể ghé thăm qua trong cung đường du lịch miền Trung chính là Hội An. Dù là ngày hay đêm, Hội An vẫn mang trong mình một nét đẹp mộc mạc, bình dị và say đắm lòng người.
Nếu bạn là người mê mẩn không khí hoài cổ, bình yên của phố cổ nhỏ bên sông Hoài này thì hãy lưu nhanh những kinh nghiệm du lịch Hội An tự túc dưới đây để tận hưởng một chuyến đi trọn vẹn nhất nhé.
Bạn biết gì về Hội An?
Từ 400 năm trước, Hội An đã là một thương cảng đông đúc các thương nhân từ khắp thế giới, tạo nên nét văn hóa đa dạng, giao hòa giữa Đông – Tây. Ngày nay, Hội An là một trong những đô thị cổ hiếm hoi vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Phố cổ Hội An luôn xếp hàng đầu trong danh sách những địa điểm du lịch ở Việt Nam bởi nhiều lý do. Đô thị nhỏ này là nơi giao thoa của nền văn hóa Đông – Tây; là sự kết hợp tinh hoa của các nước Việt, Trung, Nhật, châu Âu trong cả ẩm thực, kiến trúc, đến những truyền thống của người dân địa phương. Cùng với thiên nhiên hữu tình, vị trí thuận lợi, du lịch Hội An luôn được nhiều du khách lựa chọn khi ghé ngang dải đất miền Trung.
Thời điểm du lịch Hội An thích hợp?
Thời điểm du lịch Hội An tuyệt nhất là từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, trời ít mưa, khí hậu dễ chịu. Tránh đi vào mùa hè vì nhiệt độ tăng cao, rất oi bức. Mùa mưa từ tháng 10 – tháng 11 cũng có nhược điểm là không gian ẩm ướt do mưa nhiều và nặng hạt.
Bạn hãy đến thăm Hội An vào ngày 14, rằm âm lịch hàng tháng để tham dự đêm phố cổ. Vào dịp này bạn sẽ có cơ hội được tận mắt nhìn ngắm những chiếc đèn lồng đỏ rực giăng khắp phố, một khung cảnh đặc trưng của Hội An vào dịp lễ.
2. Đến Hội An bằng cách nào?
Máy bay
Cho một chuyến du lịch Hội An thuận lợi nhất, bạn có thể mua vé máy bay đi Đà Nẵng rồi tiếp tục đến Hội An. Các chuyến bay từ TP.HCM, Hà Nội hay các tỉnh thành khác đến Đà Nẵng chỉ mất xấp xỉ 1 giờ, có giá dao động trong khoảng 400.000 – 1.600.000 VND/ chiều.
Từ Đà Nẵng, có hai cách phổ biến nhất để đến Hội An là bằng taxi hoặc xe buýt.
Taxi
Rất dễ dàng để bắt taxi tại sân bay Đà Nẵng và chỉ mất 45 – 55 phút để bạn di chuyển đến Hội An. Chi phí cho một chuyến taxi có giá 350.000 – 450.000 VND, tùy hãng và loại xe.
Xe buýt
Phù hợp với du khách muốn tiết kiệm hay thích du lịch bụi, bạn có thể bắt xe buýt số 1 (Bến xe trung tâm Đà Nẵng – bến xe Hội An) với giá chỉ 25.000 VND/ lượt.
Tàu hỏa
Cũng tương tự như đi máy bay, nếu đi bằng tàu hỏa, bạn sẽ dừng chân tại ga Đà Nẵng hoặc ga Trà Kiệu. Hành trình đi từ TP.HCM hoặc Hà Nội đến Đà Nẵng sẽ mất 15 – 20 giờ, giá vé trong khoảng 230.000 – 2.224.000 VND, tùy hành trình và loại ghế. Tham khảo giờ tàu chạy và mua vé trực tiếp tại đây.
Xe khách
Nếu không muốn ghé ngang Đà Nẵng mà trực tiếp đến Hội An thì vẫn có những chuyến xe chạy thẳng TP.HCM – Hội An, hoặc Hà Nội – Hội An. Các hãng xe phổ biến mà bạn có thể lựa chọn là Hạnh Café, Thiên An, The Sinh Tourist, với giá dao động 320.000 – 480.000 VND/ lượt.
Xe máy
Từ Đà Nẵng, bạn hoàn toàn có thể tự lái xe máy đến Hội An để tiết kiệm chi phí. Có hai tuyến đường chính:
+ Đi theo hướng Quốc lộ 1 về phía Nam, rẽ vào Vĩnh Điện. Đi hướng này bạn sẽ ghé thăm được Tháp Chàm Bằng Anh.
+ Đi qua cầu sông Hàn, theo tỉnh lộ Đà Nẵng – Hội An. Tuyến đường này sẽ thuận tiện cho bạn nào muốn kết hợp tham quan Ngũ Hành Sơn.
Đường từ Đà Nẵng đến Hội An khá dễ đi, thông thoáng. Tuy nhiên nếu là lần đầu tiên đi phượt, bạn nên tham khảo các kinh nghiệm du lịch Hội An tự túc để chuyến đi được suôn sẻ nhất.
Ẩm thực của du lịch Hội An
Phố cổ Hội An tuy nhỏ nhưng văn hóa ẩm thực lại vô cùng phong phú. Sau đây là một số món ngon và địa chỉ để bạn thưởng thức khi đến với địa danh đặc biệt này:
Cơm gà Phố Hội
Với tất cả sự khéo kéo tỉ mỉ trong cách chế biến, người Hội An đã tạo ra một món cơm gà đủ tạo dấu ấn để người ta cho nó một cái tên riêng: Cơm gà phố Hội. Cơm gà phố Hội ăn với hành tây, đu đủ chua, rau thơm Trà Quế, còn có một chén súp trộn tim, gan, cật gà ăn kèm càng tăng thêm phần hấp dẫn.
Địa chỉ: Cơm gà Bà Buội (26 Phan Châu Trinh), cơm gà Bà Hương – Kiệt (hẻm) Sica, cơm gà Bà Minh, Cơm gà Nga…
Cao Lầu
Nhiều người dân sống lâu năm ở phố cổ nói cao lầu xuất hiện ở Hội An từ thế kỷ 17. Có lẽ vì thế mà món này chịu ảnh hưởng khá nhiều từ ẩm thực của người Hoa cũng như món mì lạnh Udon của người Nhật. Tuy vậy, cao lầu Hội An vẫn mang đậm nét riêng và duy chỉ có Hội An mới có món Cao Lầu đúng chất.
Địa chỉ: Rất dễ để tìm ăn cao lầu Hội An, từ hàng gánh lề đường đến các nhà hàng trên đường Trần Phú, nổi tiếng nhất là quán Bà Bé, Trung Bắc.
Bánh bao, bánh vạc
Bánh bao – bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu cách làm gần giống nhau, thường ăn chung trên một đĩa bánh. Khác là nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền. Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi cũng xào cùng gia vị bí truyền đó. Có lẽ phần gia vị này cũng là một nguyên nhân khiến bánh bao – bánh vạc chỉ có thể ăn ngon khi ở Hội An.
Địa chỉ: Nhà hàng Bông Hồng Trắng trên đường Nhị Trưng. Tại đây, bạn có thể tận mắt nhìn thấy quá trình làm bánh công phu của quán.
Bánh đập – hến xào
Miếng bánh đập giòn rụm tan trong miệng ăn kèm với hến xào vừa miệng là món ăn chơi cực hấp dẫn ở Hội An.
Địa chỉ: Đi qua cây cầu Cẩm Nam (xe 45 chỗ không qua được) chừng 100m, con đường đột ngột bẻ cong sang trái, vừa qua khúc cua này sẽ thấy một dãy hàng quán san sát nhau và trên mỗi tấm bảng hiệu đều để món đặc sản của khu vực này: “chè bắp, bánh đập, hến xào”. Quán bánh đập Bà Già nổi tiếng nhất ở đây.
Chè bắp
Chè bắp – một món ăn dân dã trở nên rất nổi tiếng ở Hội An bởi nó được chế biến từ bắp Cẩm Nam ngon có tiếng của xứ Hội. Chè có vị ngọt, thơm thanh tao và tự nhiên của bắp mới bẻ. Khác với chè của miền Nam, chè bắp Hội An không nấu với nước dừa nên có hương vị nguyên bản của bắp, chỉ khi ăn mới rưới chút nước cốt lên trên để tăng vị béo. Mùa bắp Cẩm Nam cũng là mùa chè, rộ nhất là từ tháng 3 – tháng 9 hàng năm.
Địa chỉ: Vỉa hè phố Trần Phú, Lê Lợi, chỉ khoảng 7.000đồng/bát.
Bánh bèo Hội An
Để làm bánh bèo, người ta chọn loại gạo ngon, nhân bánh bèo là tôm, thịt. Khách vào quán, người chủ sắp nhiều chén bánh lên khay, múc nhân đổ vào, thêm dầu mỡ, tương ớt, hành thơm rồi bày lên bàn. Ăn bánh bèo phải dùng đến “dao tre”, đó là một thanh tre vót hình lưỡi dao. Kiểu ăn như thế cũng gợi bao sự hiếu kỳ cho khách và là lối ẩm thực khác biệt giữa bánh bèo với các món ngon Hội An khác được chế tác bằng gạo.
Địa chỉ: Quán tại Cẩm Châu, Cẩm Nam…
Mì Quảng
Nhìn bên ngoài, mì Quảng gần giống như Cao Lầu nhưng chỉ cần nếm thử một lần thôi, bạn sẽ thấy đây là hai món ăn khác biệt hoàn toàn. Mì Quảng thường được ăn cùng với tôm, thịt, trứng cút… Tất cả đều ngấm gia vị thấm thía. Khi ăn cũng không thể thiếu bánh tráng nướng giòn và rau ăn kèm.
Địa chỉ: Quán bà Minh, khu Cẩm Hà hay trong chợ Hội An, đầu phố Trần Phú; các gánh mì Quảng bán rong trên hè phố.
Hoành thánh
Hoành thánh có nhiều loại: hoành thánh súp, hoành thánh mì, hoành thánh chiên, mỗi loại còn chia ra là heo, gà, tôm nữa. Theo kinh nghiệm, hoành thánh gà và heo rất dễ ăn, hoành thánh tôm thì thơm và ngọt hơn, còn hoành thánh chiên thì hơi ngấy một chút.
Địa chỉ: Quán ăn Vạn Lộc trên đường Trần Phú, bình dân hơn có quán 26 Thái Phiên.
Bánh tráng (bánh cuốn/bánh ướt)
Cũng gần giống với bánh cuốn Thanh Trì Hà Nội nhưng thay vì là bánh tráng mỏng kèm với nhân mộc nhĩ thì ở Hội An, bánh tráng còn có thêm tôm chấy nữa. Khi ăn, bánh được rưới thêm mỡ hành rất thơm, ăn kèm chả lụa (giò lụa).
Địa chỉ: Phố ẩm thực ven sông Hoài.
Bánh xèo Hội An
Bánh xèo Hội An là đặc sản chính hiệu của vùng đất phố Hội. Nguyên liệu chính để làm bánh xèo ngoài gạo, còn có thêm tôm, thịt. Để đúc nên món bánh xèo người làm phải ngồi bên bếp lửa liên tục rất nóng nực, do đó mùa mưa trong năm từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa thích hợp nhất cho việc làm bánh xèo ở Hội An.
Địa chỉ: Quán Giếng Bá Lễ (hẻm Phan Chu Trinh); Bale Well (quán Bà Lệ) – 45/51 Trần Hưng Đạo.
Lưu trú ở đâu?
Hiện khoảng 90% số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều tập trung ở Hội An, số lượng cơ sở lưu trú tăng mạnh và phát triển dồi dào luôn khiến cho số lượng phòng ở đây nằm vượt số lượng cầu. Các bạn đến Hội An, ngoài một số cơ sở lưu trú quá nổi tiếng sẽ luôn đông khách, còn lại trong bất kỳ thời điểm nào các bạn cũng có thể dễ dàng tìm cho mình một địa điểm để dừng chân.
Khách sạn
Đây là mô hình lưu trú phổ biến nhất ở Hội An với nhiều nhóm khách sạn để lựa chọn, từ những khách sạn nho nhỏ nhưng nằm sát trung tâm cho đến những khách sạn sang trọng, resort cao cấp nằm sát biển. Tùy mục đích của chuyến đi mà các bạn có thể lựa chọn khách sạn sao cho phù hợp nhất.
Một số khách sạn tốt ở Hội An
– Hoi An Odyssey Hotel
Địa chỉ: Trần Trung Tri, Cẩm Nam, Tp. Hội An, Quảng Nam
– Phượng Vĩ Homestay
Địa chỉ: 39 Nguyễn Trường Tộ, Sơn Phong, Tp Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 090 576 26 03
– Hội An Estuary Villa
Địa chỉ: Tân Thịnh, Cẩm An, Tp Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 0235 3863 669
– La Siesta Hoi An Resort & Spa
Địa chỉ: 132 Hùng Vương, Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 0235 3915 91
– Ivy Villa
Địa chỉ: 168 Nguyễn Duy Hiệu, Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 090 501 50 20
Homestay
Mô hình lưu trú cộng đồng, sinh hoạt và ăn ở cùng với người dân địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay mô hình homestay gần như không khác gì khách sạn, có chăng được thiết kế đẹp hơn và có những không gian sinh hoạt chung ngay trong nhà để các nhóm du khách có thể giao lưu với nhau. Đến Hội An, muốn trải nghiệm homestay thực sự, các bạn có thể đến Cù Lao Chàm nhé.
Một số homestay tốt ở Hội An
– Phượng Vĩ Homestay
Địa chỉ: 39 Nguyễn Trường Tộ, Sơn Phong, Tp Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 090 576 26 03
– Coconut Garden Homestay
Địa chỉ: 122 Nguyễn Khoa, Cẩm Nam, Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 0235 3939 969
– Horizon Homestay Hoi An
Địa chỉ: 23 Xuân Diệu, Tân An, Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 0235 3920 207
– An Hoi Town Homestay
Địa chỉ: 109 Nguyễn Phúc Tần, Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 0235 3910 769
– Skybird Homestay
Địa chỉ: 354 Cửa Đại, Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam
Điện thoại: 090 522 62 58
Biệt thự Villa
Đây là hình thức lưu trú khá phát triển ở Hội An trong một vài năm gần lại đây, nhiều tới mức mà chính quyền thành phố phải dừng việc cấp phép cho triển khai những hình thức này lại. Những ngôi nhà được xây dạng biệt thự (villa) được chủ nhà thiết kế làm nhiều phòng cho khách du lịch thuê, chất lượng tương đối tốt và giá thành lại rẻ hơn khá nhiều so với các khách sạnlớn. Các villa cũng có đầy đủ bể bơi, các dịch vụ dọn dẹp và ăn uống để cung cấp cho du kháchluôn.
Các địa điểm du lịch tại Hội An
Chùa Cầu
Chùa cầu Hội An là một di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia và được lựa chọn là biểu tượng của thành phố Hội An. Ngôi chùa nằm trên một chiếc cầu nhỏ, qua vắt ngang con sông Hoài thơ mộng. Đây là công trình duy nhất có gốc tích từ xứ sở Phù Tang trong lịch sử, được xây dựng bởi các thương nhân Nhật Bản từ thế kỷ 17, do vậy mà nó còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản. Tuy vậy cầu vẫn mang đậm nét kiến trúc của Việt Nam. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mái được lợp bằng ngói âm dương, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ đứng chầu.
Phố đèn lồng
Phố đèn lồng dường như đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với bất kỳ ai đã từng ghé thăm Hội An. Vào mỗi dịp hội đèn lồng, thường vào mùa xuân, bạn có thể đặt khách sạn gần Phố cổ Hội An để ngắm ngõ phố rạo rực đón tết, cả khu phố như thay áo mới khoe sắc rực rỡ. Từng hiên nhà, cửa hiệu, nơi công cộng… được trang trí bằng đèn lồng với đủ màu sắc, kích cỡ. Đến với nơi đây những ngày này, du khách như “lạc lối” trong một xứ sở cổ tích, một “vương quốc” đèn lồng kỳ ảo, lung linh.
Làng lụa Duy Xuyên
Tại số 28 đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Hội làng lụa được tái hiện với mục đích làm sống lại không gian cổ xưa và quảng bá đến du khách hình ảnh của thu nhỏ của một thương cảng lớn hơn 300 năm trước. Chính tại nơi đây đã góp phần không nhỏ tạo nên con đường tơ lụa trứ danh của Việt Nam trên biển. Với những nguyên liệu đặc biệt không thể tìm được ở nơi khác, làng lụa đã cho ra rất nhiều sản phẩm độc đáo và vô cùng đẹp. Ghé thăm làng lụa lâu đời này, du khách không chỉ tận mắt chiêm ngưỡng quá trình tạo ra sản phẩm mà còn được trải nghiệm quá trình này cùng nghệ nhân.
Làng rau Trà Quế
Rau Trà Quế vốn được biết đến là thương hiệu nổi tiếng từ rất lâu vì nhiều sản phẩm rau được trồng trên đất đai màu mỡ, bón bằng loại rong lấy từ sông nên có hương vị đặc trưng riêng. Làng rau này chỉ cách trung tâm phố cổ Hội An 2 km về phía Đông Bắc, nằm giữa con sông Đế Võng và đầm rong Trà Quế. Hằng vào ngày 7 tháng giêng âm lịch, lễ hội Cầu Bông thường được tổ chức ở đây trong không khí tưng bừng với mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Làng rau Trà Quế đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với những ai muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người nông dân.
Cù Lao Chàm
Cù lao Chàm trực thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố du lịch Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15 km. Đây là một cụm đảo được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Với khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào cùng các rặng san hô, bạn có thể thuê khách sạn gần bến tàu Cù Lao Chàm để thuận tiện cho việc đi lại và tham quan. Cù Lao Chàm trở thành điểm du lịch tuyệt vời cho những ai yêu vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ của biển ngoài những phút giây đắm chìm trong không gian trầm mặc cổ xưa của Hội An.
Biển Cửa Đại
Nằm cách phố cổ Hội An 4km về phía đông, Cửa Đại hút hồn du khách với bãi cát mịn trải dài tít tắp, nước biển trong xanh, sóng vỗ êm đềm trong ánh nắng vàng rực rỡ. Đây được mệnh danh là một trong những bãi biển đẹp nhất châu Á.
Xưởng thủ công mỹ nghệ
Đây là nơi tạo ra vô vàn các món đồ tinh xảo mà hầu hết du khách đến đây đều muốn mua về làm kỷ niệm. Hội An có nhiều loại hình thủ công mỹ nghệ như dệt chiếu, dệt vải, gốm, sơn mài…Ghé thăm xưởng, khách du lịch có thể được chứng kiến đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ đẹp mắt và tham quan một vài khâu trong quá trình sản xuất.
Một số lưu ý
Những kinh nghiệm đi du lịch Hội An quý báu mà Asahi Travel đúc kết ra:
– Lên kế hoạch, tham khảo trước những địa điểm cần đến.
– Xem dự báo thời tiết để chuyến đi không bị gián đoạn bởi bão lũ, mưa lớn.
– Đặt trước vé máy bay, vé tàu, phòng khách sạn, homestay.
– Luôn mang giấy tờ tùy thân bên người.
– Chuẩn bị đồ dùng cá nhân như kem chống nắng, kính dâm, dầu gội, sữa tắm, giầy thể thao, dép tông, trang phục, chuẩn bị sẵn đồ y tếnhư thuốc dị ứng, thuốc cảm, thuốc đau bụng…
– Đến những nơi như chùa, đền, bảo tàng thì mặc kín đáo, chỉnh tề, không chen lấn, xô đẩy, không xả rác bừa bãi.
– Khi di chuyển bằng xe máy bạn nhớ mang theo bằng lái xe, găng tay, áo khoác gió vừa để tránh nắng mà lại chắn gió bụi khi đi xa, khăn bịt mặt, bản đồ để tra đường hoặc hỏi người dân để được chỉ đường. Đi xe từ từ không phóng nhanh vượt ẩu.
– Khi đi taxi chọn những hãng uy tín, xe có đồng hồ đo km, thường những tài xế taxi sẽ được ăn “hoa hồng” từ các khách sạn nhà nghỉ nên sẽ dụ bạn vào những khách sạn hay nhà nghỉ đó, và tiền phòng của bạn sẽ bị đắt hơn, nên bạn đã đặt phòng ở đâu rồi thì ở đó.
Trên đây là bài kinh nghiệm du lịch Hội An mà Asahi Travel chia sẻ để các bạn tham khảo, giúp các bạn biết rõ hơn về các địa điểm của mảnh đất cổ này trước khi đến đây du lịch. Chúc các bạn có một chuyến đi an toàn và vui vẻ!
Tổng hợp: Yên Vân