GẶP GỠ CÁC “NỮ HOÀNG SẮC ĐẸP” LẠC ĐÀ Ở LỄ HỘI AL DHAFRA

Cuộc thi sắc đẹp của lạc đà được tổ chức hàng năm ở các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã trở thành một phần không thể thiếu của lễ hội Al Dhafra – lễ hội kỷ niệm văn hóa của người Bedouin. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm của người Bedouin và được diễn ra ở rìa của Rub al Khali, hay còn được gọi là Empty Quarter – sa mạc cát lớn nhất thế giới, gần thành phố Madinat Zayed của các Tiểu vương quốc.

Đây là bài báo được viết bởi Kiki Streitberger chia sẻ góc nhìn, trải nghiệm của bản thân khi được tham gia lễ hội văn hóa ở các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Bài báo thuộc một series mới – The World Through a Lens của tờ New York Times vừa tung ra khi có các lệnh hạn chế đi lại trên toàn thế giới, qua đó có thể đưa mọi người tham quan đến một số địa điểm hấp dẫn trên hành tinh của chúng ta. Bài viết được dịch lại từ bài báo này, để mọi người có thể hiểu rõ hơn quá trình trải nghiệm của nhà báo Kiki Streitberger trong lễ hội. Có thể sẽ có một vài chi tiết không hoàn toàn chính xác, mong các bạn góp ý thêm để mình có thể hoàn thiện hơn trong những lần dịch sau.

“Ngay khi vừa đặt chân đến lễ hội Al Dhafra, những chàng trai trẻ trong trang phục truyền thống Kanduras với chiếc áo vải trắng dài ngang lưng, đang chạy về phía xe của tôi, họ chỉ ngón trỏ lên trời và hét lên trông rất phấn khích. Ở đằng xa, hai người đàn ông đang cưỡi lạc đà và một trong những con lạc đà đó được quấn trên mình chiếc chăn của người chiến thắng có tua rua bằng vàng.

Phía sau những người đàn ông đang từ từ băng qua cồn cát là một đoàn xe bán tải lớn bấm còi inh ỏi. Trong xe, các nam thanh niên ngồi nghiêng mình ra phía ngoài cửa sổ, họ liên tục vẫy tay, hò hét, cỗ vũ, khuấy động bầu không khí bên ngoài. Khiến cho bất kỳ ai ở xung quanh đều không khỏi hứng thú, chỉ muốn nhanh chóng ghi lại cảnh tượng này bằng điện thoại.

Không cần đắn đo suy nghĩ gì thêm nữa, dù sao thì cũng chẳng thể đi được bao xa trên cát bằng chiếc ô tô thuê này, tôi quyết định bỏ lại nó và nhảy lên phía sau chiếc xe bán tải gần đó. Bởi tôi muốn trở thành một phần của lễ kỷ niệm thú vị này.

Điểm nổi bật của lễ hội nơi đây bao gồm cuộc đua Saluki (sân chơi dành cho những chú chó Saluki nhanh nhẹn), cuộc thi đọc thơ, khu triển lãm về chim ưng và khu vực dành riêng nghệ thuật thủ công truyền thống. Chẳng những thế, ở đây còn có loạt đồ ăn và thức uống từ chà là tươi cho đến sữa lạc đà.

Tuy nhiên, trung tâm của lễ hội là “Cuộc thi sắc đẹp của lạc đà”.

Sự kiện kéo dài một tuần đã biến Al Dhafra thành trung tâm của thế giới lạc đà. Vào năm 2019, tôi từng chứng kiến hơn 24.000 con lạc đà từ khắp Trung Đông đến đây để tranh giải thưởng 60 triệu AED – tương đương với 16 triệu USD, một số tiền khổng lồ. Thế nhưng, khoản tiền ấy chỉ dành riêng duy nhất cho con lạc đà đặc biệt và xinh đẹp nhất.

Theo một số thông tin mà tôi khám phá được, nguồn gốc của cuộc thi sắc đẹp này đến từ cuộc tranh chấp của một gia đình vào năm 1993, khi hai người chăn nuôi lạc đà tranh cãi nhau và phải nhờ đến một số giám khảo công tâm để tìm ra con vật của ai đẹp hơn.

Kể từ đó, cuộc thi sắc đẹp lạc đà đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu đô la, cùng với lễ hội di sản được nhà nước bảo trợ tổ chức trên khắp đất nước.

Được chính phủ chính thức khởi xướng vào năm 2008, Lễ hội Al Dhafra ra đời với mục đích tôn vinh văn hóa Bedouin, tạo ra các hoạt động du lịch và hơn hết là bảo tồn sự thuần khiết của một số giống lạc đà. Bởi cộng đồng người Bedouin đã biến mất trong suốt năm mươi năm qua. Các biên giới thời nay đã kìm hãm mô hình chăn nuôi du mục và sự xâm lấn của kinh tế, công nghệ đã làm ảnh hưởng đến các văn hóa truyền thống.

Đối với những người Bedouin ở thành thị, các lễ hội như Al Dhafra là một trong số ít những cách họ có thể duy trì truyền thống của mình một cách có ý nghĩa nhất.

Cuộc thi sắc đẹp lạc đà được chia thành nhiều hạng mục khác nhau, chẳng hạn như theo độ tuổi, giới tính hoặc theo giống,…

Hình mẫu lý tưởng của chức quán quân là lạc đà với đôi chân vừa dài vừa thẳng, có chiếc cổ dài, chiếc bướu có hình dáng đẹp năm ở ngay vị trí trên lưng dưới , đôi tai vểnh, đôi mắt biểu cảm được bảo vệ bởi cặp lông mi cong vút, đôi môi dài rũ xuống và tất nhiên phải có bộ lông mềm mượt, bóng bẩy với thế đứng tao nhã.

Sẽ không phải là một nàng siêu mẫu hoàn hảo nếu thiếu đi trang sức, nhờ vậy các ngành công nghiệp trang sức này mọc lên như nấm để cung cấp trang sức phù hợp cho các cuộc thi sắc đẹp này. Thợ may cho lạc đà sẽ dựng trại ở Al Dhafra để bán những cọng dây cương đầy màu sắc, những tấm chăn cho lạc đà bóng bẩy bởi những sợi kim tuyến và các vòng cổ lấp lánh hơn được làm từ các hạt nhựa và dây xỏ các đồng tiền.

Đường Million, cung đường mà có thể dễ dàng bắt gặp các siêu sao lạc đà đứng đó và đồng thời cũng mở một khu chợ trời với các lều, xe lữ hành và các xe tải bán đồ ăn.

Siêu thị này không chỉ đơn thuần là nơi để mua thức ăn cho lạc đà hay dầu gội cho lạc đà. Đây còn là nơi bán những tấm chăn cho mùa đông đầy màu sắc, cà phê, bếp lửa, thảm, dụng cụ săn bắn, ghế có thể gập lại và nhiều loại quần áo. Những ánh đèn chói loá của các nhà hàng bán món thịt nướng, bánh ngọt và món Karak chai. Thậm chí còn có cả dịch vụ giặt ủi cho cả người và lạc đà lúc nào cũng trông thật sạch sẽ và sang chảnh.

Nguồn dịch: Train of Sankofa

Leave a Reply

0934 599 193
Ms.Giang: 0934 599 193