Kinh nghiệm chi tiết nhất trải nghiệm miền đất Phật – Chùa Hương

Chùa Hương trời điểm lại trời tô

Một bức tranh tình trải mấy Thu

Xuân lại xuân đi không dấu vết

Ai về ai nhớ vẫn thơm tho.

(Tản Đà)

Chùa Hương với phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ đã là nguồn cảm hứng thi ca cho biết bao nhiêu nhà thơ. Chùa Hương hay Hương Sơn là một danh lam thắng cảnh, một di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng mà chúa Trịnh Sâm thời xưa đã ca ngợi là “đệ nhất trời Nam”. Đây là cả một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, những ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp.

du-lich-chua-huong
Phong cảnh hai bên dòng suối Yến dẫn vào Chùa Hương – “Nam thiên đệ nhất động”

Chùa Hương ở đâu? Làm thế nào để đến được chùa Hương?

Trung tâm của chùa Hương ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội – một huyện ngoại thành Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km.

Đường đi từ Hà Nội đến chùa Hương rất thuận lợi nên quý khách có thể đến thăm chùa Hương một cách dễ dàng bằng các phương tiện sau:

– Xe bus: Phương tiện công cộng này được nhiều Quý khách lựa chọn vì  khá thuận tiện và vô cùng lý tưởng để “vi vu” khắp nội thành và ngoại ô Hà Nội. Các tuyến bus hoạt động thường xuyên với tần suất dày và đi qua nhiều đường khiến việc di chuyển đến chùa Hương rất tiện lợi.

Tại các bến xe Hà Đông, Yên Nghĩa, Mỹ Đình, Quý khách có thể bắt xe bus về chùa Hương. Hoặc Quý khách có thể bắt xe bus tại các điểm trung chuyển để tới các bến xe nếu vị trí của mình cách xa các bến xe.

– Xe máy: Với những bạn trẻ đam mê phượt thì xe máy là một sự lựa chọn thú vị cho quãng đường không quá xa từ nội thành Hà Nội đến chùa Hương. Khi phượt các bạn có thể ngắm phong cảnh hai bên đường của vùng ngoại ô có những cánh đồng xanh bao la chạy tít tắp tới tận chân trời.

Tuy nhiên, nếu chọn phương tiện di chuyển là xe máy, Quý khách cần đảm bảo an toàn trong suốt hành trình của mình.

Ngoài ra, nếu đi với bạn bè, đồng nghiệp, gia đình hoặc người thân với số lượng lớn thì thuê xe là sự  lựa chọn thông minh khi đi  tham quan chùa Hương. Asahi Travel Việt Nam với nhiều chủng loại xe và đội ngũ lái xe chuyên nghiệp sẽ đáp ứng và hài lòng mọi nhu cầu của Quý khách.

Đi chùa Hương cầu gì?

Ai đi chùa cũng đều mong cầu bình an, sức khỏe cho mình và người thân. Đến với ngôi chùa Hương nổi tiếng linh thiêng này, người hành hương cũng thường cầu bình an, sức khỏe và ngoài ra còn cầu cả công danh, tiền tài, sự nghiệp, phúc lộc… cho gia đình.

Có điều từ xa xưa, chùa Hương đã nổi danh là nơi cầu tự rất linh. Những cặp vợ chồng hiếm muộn thường đến chùa Hương để cầu tự, mong được trời đất ban cho phước lộc có con cái để nối dõi và vui vầy để khỏi cô quạnh khi tuổi già.

Lễ hội chùa Hương kéo dài khi nào?

du-lich-chua-huong
Lễ Hội chùa Hương kéo dài suốt mùa xuân

Cứ mỗi dịp xuân về, người người lại nô nức đua nhau đi trẩy hội chùa Hương. Lễ hội chùa Hương diễn ra kéo dài trong suốt mùa xuân. Vì vậy từ trước đến ra sau Tết âm lịch cho tới tận hè, lượng khách thập phương đổ về đây luôn tấp nập, nhộn nhịp không ngớt.

Lễ hội chùa Hương khai hội vào ngày mồng sáu tháng giêng và thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch hằng năm. Vào dịp lễ, hàng triệu phật tử cùng du khách khắp bốn phương lại cùng nhau tìm về hành trình của một miền đất Phật – nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành.

Đi lễ chùa Hương cần chuẩn bị những gì? Đi chùa Hương cần sắm mấy lễ?

Đi du lịch chùa Hương cần chuẩn bị những gì?

*Chuẩn bị trang phục:

du-lich-chua-huong
Trang phục lễ chùa gọn gàng, lịch sự

– Quần áo gọn gàng, ngay ngắn. Phụ nữ không nên mặc váy, hoặc quần áo ngắn vì đây là điều kiêng kị nơi cửa phật và nhất là chốn linh thiêng như chùa Hương. Để tránh mưa, nắng nên mang theo ô, mũ.

– Diện tích chùa Hương rất rộng và phải di chuyển bằng hình thức đi bộ hoặc leo núi nên Quý khách đi dép và giày thể thao là thuận tiện nhất.

*Chuẩn bị đồ lễ: Vàng, hương, trầu cau, rượu cúng, chè, hoa quả, bánh kẹo, tiền lẻ…

Những đồ này bạn có thể hoàn toàn mua được tại chùa Hương nhưng giá sẽ cao hơn bình thường nên để tiết kiệm chi phí hãy mua trước những đồ ngon tốt mang theo từ nhà để thành tâm dâng kính Phật.

du-lich-chua-huong
Mùa hoa súng trên dòng suối Yến

Đi chùa hương cần sắm mấy lễ:

du-lich-chua-huong
Cần chuẩn bị đồ lễ khi đến chùa

– Lễ chay: Lễ chay dùng để cúng ở chùa và dâng lên ban Thánh Mẫu bao gồm: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực dùng để lễ ban Phật, Bồ Tát. Nếu dâng lên ban Thánh Mẫu nên sắm thêm một số hàng mã để dâng như: tiền, vàng, nón, hia…

– Lễ đồ sống: Đây là lễ dành riêng cho việc dâng cúng quan Ngũ Hổ, Bạch xà, Thanh xà đặt ở hạ ban Công Đồng Tứ phủ bao gồm những vật phẩm: trứng, gạo, muối hoặc thịt mồi (một miếng thịt lợn khoảng vài lạng). Lệ thường thì gồm 5 quả trứng vịt sống đặt trong một đĩa muối, gạo; hai quả trứng gà sống đặt trong hai cốc nhỏ, một miếng thịt mồi được khía (không đứt rời) thành năm phần, để sống. Kèm theo lễ này cũng có thêm tiền vàng.

– Lễ Mặn: Nếu có lễ này thì đặt bàn thờ Ngũ vị quan lớn tức là ban công đồng bao gồm gà, lợn, giò, chả… được làm cẩn thận, nấu chín.

– Cỗ mặn sơn trang: Lễ này bao gồm những đồ đặc sản Việt Nam: cua, ốc, lươn, ớt, chanh quả…Ngoài ra, có thể có thêm gạo nếp cẩm nấu xôi chè. Khi sắm lễ mặn sơn trang, người ta thường sắm theo con số 15: 15 con ốc, con cua, 15 quả ớt, chanh hoặc có thể chỉ cần 1 quả nhưng được khía ra làm 15 phần… Tại ban sơn trang thờ 15 vị: 1 vị chúa, 2 vị hầu cận, 12 vị cô sơn trang. Đây cũng ý nghĩa của con số 15 khi làm lễ lên ban sơn trang.

– Lễ thần Thành Hoàng: Thường là lễ mặn: chân giò lợn luộc, xôi, rượu, tiền, vàng…

– Lễ ban thờ cô, thờ cậu: Lễ vật bao gồm: oản, quả, hương hoa, hia, hài, nón, áo… gương, lược… rất cầu kỳ, nhỏ, đẹp và được bao trong những túi nhỏ màu mè, xinh xắn. Đây là những đồ chơi, đồ ăn mà trẻ nhỏ thích.

Tất cả các lễ trên đều có thể dâng cúng tại các Đền, Miếu, Phủ, Đình…không nhất thiết là chỉ cúng trong chùa. Tuy nhiên, phẩm vật dâng cúng dù nhiều hay ít, tốt hoặc xấu, ngon hay dở vẫn đều phải là thật để biểu hiện lòng thành tâm kính của người làm lễ dâng lên Phật và các chư vị Tôn thần.

Kinh nghiệm đi chùa Hương trước khi khởi hành:

du-lich-chua-huong
Một góc đẹp mê mẩn của chùa Thiên Mụ vào ráng chiều

Nếu Quý khách có thời gian muốn tham quan và chiêm ngưỡng hết phong cảnh hữu tình của chùa Hương thì nên ở lại qua đêm và đi trong 2 ngày mới có thể khám phá hết các địa điểm nơi đây.

Còn nếu chỉ đi được trong ngày, bạn nên thăm chùa Thiên Trù, đền Trình và động Hương Tích. Đây là những điểm đến quan trọng và linh thiêng bậc nhất tại chùa Hương. Quý khách có thể di chuyển bằng cách leo núi hoặc hệ thống cáp treo hiện đại.

du-lich-chua-huong
Chùa Thiên Trù – Một trong những điểm tham quan quan trọng của chùa Hương

Chùa Hương là một quần thể kiến trúc bao gồm các ngôi chùa, đình, đền nằm rải rác trong thung lũng Suối Yến và được chia thành 4 khu hành hương:

Khu Hương Tích: Đền Trình, Chùa Thiên Trù, Động Tiên Sơn, Chùa Giải Oan, Đền Trần Song, Động Hương Tích, Chùa Hinh Bồng.

du-lich-chua-huong
Chùa Hương Tích – Ngôi chùa thờ Phật cổ kính, linh thiêng

Khu Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn, Động Hương Đài.

Khu Long Vân: Chùa Long Vân, Động Long Vân, Hang Sũng Sàm.

Khu Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài, Động Chùa Cá, Động Tuyết Sơn.

Giá vé tham quan là 50.000 VNĐ/ người, trong đó vé thắng cảnh là: 40.000 VNĐ/ người vé đi đò. Giá cáp treo 2 chiều từ chùa Thiên Trù lên tới động Hương Tích là 140.000 VNĐ/ người và 1 chiều là 90.000 VNĐ/ người.

Chú ý khi đi vào dịp lễ hội sẽ rất đông nên bạn chịu khó xếp hàng mua vé từ Ban tổ chức, tránh mua vé của cò mồi, phe vé vì giá vé sẽ bị đẩy lên cao.

Kinh nghiệm khi đi đò

Có 2 cách để mua được vé thuyền: Cách thứ nhất là Quý khách mua vé ở cổng hội. Cách thứ hai là vào khu vực Suối Yến liên hệ với các nhà đò quanh bến. Quý khách không nên mua của cò đò vì giá sẽ bị chặt chém rất cao. Nhiều người còn bám theo mời chào khách mua vé ở vị trí cách xa chùa cả 20 km.

Trước khi mua vé bạn cũng nên thỏa thuận trước với nhà thuyền để tránh tình trạng mùa lễ hội cao điểm sẽ bị nhồi nhét thêm khách lên thuyền. Giá thuyền 2 lượt đi – về là 45.000 VNĐ/ người. Hành khách đi thuyền cũng bắt buộc phải bồi dưỡng cho nhà đò từ 50.000 VNĐ – 70.000 VNĐ/ khách. Quý khách cũng lưu ý an toàn trong khi ngồi thuyền di chuyển.

Ăn uống tại Chùa Hương?

Đặc sản không thể bỏ qua khi đến Chùa Hương là: dê núi, bò rừng, ngựa, nhím, tê tê… Có rất nhiều nhà hàng từ bến đò cho đến động Thiên Trù với thực đơn phục vụ hợp lý, giá cả phải chăng cho Quý khách lựa chọn. Tuy nhiên, vào mùa lễ hội, hãy khảo giá trước để tránh bị chặt chém.

du-lich-chua-huong
Đặc sản chùa Hương

Nhà hàng Mai Lâm ở chân núi đường lên Thiên Trù có chất lượng dịch vụ khá tốt và giá cả hợp lý. Bạn có thể dừng chân tại nhà hàng này để thưởng thức đặc sản chùa Hương.

Những lưu ý khi mua sắm tại chùa Hương?

Đồ lưu niệm và đặc sản ở chùa Hương rất đa dạng và phong phú như: vòng tay, vòng cổ, gương lược, chè củ mài, mơ quả,… Bạn có thể mua về làm quà cho gia đình, người thân và bạn bè nhưng không phải mặt hàng nào chất lượng cũng được đảm bảo. Trước khi mua hãy hỏi giá cả cụ thể, kiểm tra đúng tên sản phẩm, số lượng, chất lượng.

Dọc đường lên động Hương Tích cũng có rất nhiều hàng bán thuốc nam quảng cáo với giá 50.000 VNĐ/ gói; nếu uống 3 gói có thể chữa được bách bệnh. Các bài thuốc này thường không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bạn nên cẩn trọng khi mua hàng.

Một số những lưu ý khác khi du lịch chùa Hương

– Quý khách khi du lịch chùa Hương hãy vứt rác đúng nơi quy định và giữ gìn vệ sinh môi trường để bảo vệ cảnh quan khu du lịch sạch sẽ.

– Vào mùa lễ hội là dịp cao điểm, người đi chùa Hương rất đông đúc, nhộn nhịp nên bạn hãy bảo quản hành lý tư trang cá nhân cẩn thận. Tránh để bị kẻ gian thừa dịp lợi dụng móc túi, đánh cắp đồ của bạn.

– Quý khách đi theo nhóm sẽ tiết kiệm được tiền thuyền, tiền vé

– Chùa Hương là nơi linh thiêng nên trang phục phải đứng đắn, giao tiếp nhỏ nhẹ, không nên có những cử chỉ khiếm nhã, cười đùa to tiếng gây mất trật tự.

– Không nên đi giày cao gót để bảo vệ đôi chân của mình khi đi bộ hoặc leo núi.

– Đặc biệt, chùa Hương trong mùa lễ hội có rất nhiều trò chơi. Hãy cảnh giác với những trò đỏ đen bịp bợm gây mất tiền oan: “Tôi nhanh tay hay bạn nhanh mắt – đoán chẵn lẻ”, “Chiếc nón kỳ diệu”, “Tôm – Cua – Cá”… Trên thực tế, người “cầm cái” đã móc nối với những cò mồi xung quanh để đặt tiền to và thắng lớn nhằm thủ đoạn chèo kéo khách.

du-lich-chua-huong
Chùa Hương – Danh lam thắng cảnh hữu tình

Chùa Hương đặc biệt ở chỗ không chỉ là danh lam thắng cảnh nên thơ mà còn là nơi linh thiêng được nhiều tín đồ hành hương ghé thăm. Nếu Quý khách là một người thích các hoạt động du lịch tâm linh và đam mê trải nghiệm những danh thắng tuyệt đẹp của đất nước thì đừng bỏ qua địa danh tuyệt vời này nhé.

Tổng hợp: Yên Vân

Leave a Reply

0934 599 193
Ms.Giang: 0934 599 193