Các địa điểm du lịch ở Hà Giang
Hà Giang là một trong những nơi có rất nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, đáng để đi (Ảnh – cungphuot.info)
Nếu hỏi các điểm đến đặc trưng của Hà Giang là gì chắc nhiều bạn sẽ có thể trả lời ngay : Cột cờ Lũng Cú, Cổng trời Quản Bạ hay Cao nguyên đá Đồng Văn … thế nhưng ở Hà Giang còn rất rất nhiều những điểm đến đẹp mà chắc hẳn nhiều bạn chưa từng biết đến. Cùng Phượt chỉ điểm qua một vài nơi hấp dẫn để phù hợp với chuyến đi ngắn ngày của bạn, nếu có thời gian các bạn tự khám phá thêm bài viết Các địa điểm du lịch ở Hà Giang nhé.
Chợ Quyết Tiến
Chợ Quyết Tiến, phiên chợ đầu tiên mà bạn sẽ gặp trên con đường chinh phục Hà Giang (Ảnh – cungphuot.info)
Trên chặng đầu tiên của con đường huyền thoại mang tên Con đường hạnh phúc, dốc Bắc Sum chính là con dốc đánh dấu điểm bắt đầu của hành trình xuyên qua công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang. Ở trên đỉnh con dốc dài uốn lượn ấy, cổng trời Quản Bạ là một địa danh nổi tiếng từ lâu bởi cảnh quan kỳ vĩ và câu chuyện huyền thoại núi Đôi.
Thế nhưng, có một địa danh nằm ngay dưới chân mỏm núi cổng trời, đó chính là xã Quyết Tiến mộc mạc, đơn sơ bên cổng trời sừng sững quanh năm mây phủ. Ở nơi yên bình ấy, mỗi tuần một lần lại có buổi chợ phiên, khoảng thời gian diễn ra chỉ trong một buổi sáng ngắn ngủi. Chợ Quyết Tiến họp vào mỗi sáng thứ 7 ở ngay sát Quốc lộ 4C, cách cổng trời Quản Bạ khoảng gần chục km.
Có lẽ nhiều bạn sẽ nhận xét rằng chợ phiên Hà Giang thì chỗ nào cũng vậy, trông cứ na ná nhau, vẫn những bộ quần áo sặc sỡ, bán những mặt hàng thường ngày, thường chỉ họp vào buổi sáng…Nếu là vậy thì Quyết Tiến có thể coi là phiên chợ vùng cao đầu tiên mà bạn găp trên chặng đường chinh phục Hà Giang. Đừng bỏ lỡ, sau khi xuất phát từ Tp Hà Giang chỉ khoảng hơn 1h các bạn sẽ tới Quyết Tiến, gửi xe và làm một vòng chợ, ăn một gói xôi ngũ sắc hay một món bất kỳ rồi vác máy ảnh chạy quanh chợ, bạn sẽ tự tìm ra những điểm riêng của phiên chợ này.
Cổng trời Quản Bạ
Núi đôi Quản Bạ từ điểm ngắm toàn cảnh trên cổng trời (Ảnh – break_away)
Cổng trời Quản Bạ – cao 1500m so với mặt biển, đây là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn. Năm 1939, người ta dựng một cánh cửa khổng lỗ bằng gỗ nghiến dày 150cm ở ngay Cổng trời. Một thời, sau cánh cửa gỗ này là một “thế giới” khác – còn gọi là “Vùng tự trị của người Mèo”, gồm các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc,Yên Minh và Đồng Văn
Núi Đôi Quản Bạ
Núi đôi Quản Bạ trên cánh đồng Tam Sơn (Ảnh – cungphuot.info)
Núi Đôi Quản Bạ, nằm cạnh quốc lộ 4C, cách thị xã Hà Giang 40 km. Giữa núi đá và ruộng bậc thang trùng điệp, nổi lên hai trái núi có hình dáng kỳ lạ, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa. Hai trái núi này gắn với truyền thuyết Núi Cô Tiên thi vị.
Truyền thuyết kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở vùng đất này có một chàng trai người Mông đẹp trai có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi của chàng réo rắt như tiếng suối, ríu rít lảnh lót như tiếng chim rừng, lúc lại sâu lắng, trầm bổng, da diết như tiếng gió giữa đêm khuya cứ bay xa, bay xa mãi. Có một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào xinh đẹp tuyệt trần, da trắng như tuyết, đôi môi như nụ đào xuân chúm chím, hai má ửng hồng như trái đào chín. Một hôm nọ nghe được tiếng đàn môi của chàng đã theo gió trốn xuống trần gian tìm người thổi đàn môi mà phải lòng chàng và đã trốn ở lại vùng đất này. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai vô cùng xinh xắn.Lúc này Ngọc Hoàng đã phát hiện ra chuyện nàng bỏ trốn xuống trần gian lấy người phàm trần đã vô cùng giận dữ sai người đi bắt nàng về. Nàng khóc lóc van xin cho nàng được ở lại nuôi con nhưng không ai mủi lòng. Thương chồng một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ của mình dưới hạ giới cho con bú. Đôi nhũ cứ căng tròn nuôi con nàng ngày càng khôn lớn, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn đến lạ thường mà ngày nay vẫn gọi là Núi Đôi hay núi Cô Tiên ở Tam Sơn, Quản Bạ.Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, các loại hoa trái như Đào, Mận, Lê, Hồng thơm ngon kỳ lạ, rau trái thì luôn xanh tươi, lúa ngô luôn tươi tốt trở thành vùng đất trù phú. Con gái ở đây xinh đẹp có tiếng, hai má lúc nào cùng ửng hồng, mịn màng như trái đào tiên. Và nước mắt của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, mơ màng, khảm trôi trên biển đá tai mèo phún sắc, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại.
Rừng thông Yên Minh
Từ Quản Bạ lên Yên Minh, QL 4C chạy dài với những rừng thông bên đường (Ảnh – cungphuot.info)
Yên Minh cách thành phố Hà Giang khoảng 100km về phía Đông Bắc, men theo quốc lộ 4C chạy từ Cán Tỷ lên trung tậm phố huyện qua ba xã: Bạch Đích, Na Khê, Lao Và Chải có một cung đường đẹp như mơ khiến bạn tựa như đang đứng giữa Đà Lạt mông mơ vậy. Cung đường đẹp rừng thông Yên Minh bắt đầu từ đoạn xã Na Khê cho đến Thị trấn Yên Minh, đoạn quốc lộ 4C với hai bên đường bạt ngàn thông.
Chợ Bạch Đích (Yên Minh)
Chợ mốc 358 là phiên chợ họp ngay trên đường biên giới giữa 2 nước (Ảnh – Dong Duong)
Dọc theo đường Quốc lộ 4C từ Tp Hà Giang, sau khoảng 70km, đến địa phận xã Na Khê và cách thị trấn Yên Minh chừng 20 km thì rẽ trái (có biển chỉ dẫn) đi khoảng 20 cây số nữa là đến xã Bạch Đích. Bạch Đích là xã biên giới với 6 thôn bản giáp ranh Trung Quốc, tổng chiều dài đường biên hơn 7 km. Xã có một nét riêng, độc đáo, không nơi nào tại đây có được là có đến 3 phiên chợ trong một tháng, gồm: chợ Bản Muồng, chợ Mốc 358 và chợ trung tâm xã. Các chợ đều họp theo phiên vào ngày Thân và ngày Dần hằng tháng.
Nói đến chợ Mốc 358 hay còn gọi là chợ Mốc 9, đây vừa là chợ phiên, lại vừa là chợ cửa khẩu; nằm ngay bên chân mốc, đi thêm chục bước chân là chạm tới barier Cửa khẩu Bạch Đích. Chợ họp theo phiên, nếu không đúng phiên, cửa khẩu dù vẫn hoạt động bình thường nhưng khu chợ vắng bóng kẻ mua, người bán. Chợ Mốc 358 được thành lập từ năm 2007, là nơi giao lưu buôn bán và mua sắm hàng hóa giữa nhân dân địa phương với người dân phía bên kia biên giới. Chợ họp từ khoảng 6 giờ đến tầm 12 – 13 giờ trưa, các quầy hàng nằm dọc 2 phía biên giới, cách đường biên chừng 10m.
Dốc Thẩm Mã
Dốc Thẩm Mã, chặng đường đầu tiên cần vượt qua khi đến với Đồng Văn (Ảnh – cungphuot.info)
Tương truyền rằng ngày xưa người dân cho ngựa thồ hàng đi từ dưới chân dốc lên, con ngựa nào mà lên đến đỉnh còn khỏe thì người dân sẽ giữ lại nuôi nên đoạn dốc có tên là Thẩm Mã. Đây là đoạn đèo đầu tiên mà các bạn cần chinh phục để bước chân tới mảnh đất Đồng Văn. Sau khi vượt qua con dốc này, các bạn sẽ tới mảnh đất Phố Cáo.
Cao nguyên đá Đồng Văn
Đến Đồng Văn, lúc nào bạn cũng có thể nhìn thấy những con đường được bao quanh bởi núi đá như này (Ảnh – cungphuot.info)
Cao nguyên đá Đồng Văn (hay sơn nguyên Đồng Văn) là một cao nguyên đá trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Ngày 3 tháng 10 năm 2010, hồ sơ “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây hiện là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.
Sủng Là
Nhìn từ trên cao, Sủng Là đẹp như một bức tranh (Ảnh – black4ndwhite)
Từ Yên Minh lên thị trấn Đồng Văn, đến ngã ba Phó Bảng, nơi con đèo xinh đẹp ôm trọn một thung lũng xanh là điểm cao và đẹp nhất để ngắm toàn cảnh Sủng Là. Nơi đây có thể coi là xã vùng cao đẹp nhất toàn cao nguyên đá Đồng Văn. Từ trên con đường vắt vẻo lưng chừng trời nhìn xuống, bạn sẽ thấy Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp. Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà vững chãi với mái đã phai màu thời gian.
Phó Bảng
Thị trấn Phó Bảng, Đồng Văn (Ảnh – Khánh Hmoong)
Thị trấn Phó Bảng nằm sâu bên trong thung lũng cao nguyên đá, nơi bốn bề là núi. Con đường cứ vòng vèo mãi từ dãy núi này sang dãy núi khác, nắng cứ nhảy nhót nơi lưng chừng trời và thung lũng thăm thẳm không một bóng người cho mãi đến khi bất ngờ Phó Bảng hiện ra bằng một thung lũng hoa hồng. Giữa cao nguyên đá trơ trụi, những bông hoa hồng tỏa hương thơm dìu dịu khiến bạn thấy bất ngờ.
Sau những dải mây hoa hồng, Phó Bảng nhỏ nhắn nằm khép mình bên những dãy núi đá tai mèo. Cả thị trấn chỉ có vài chục nóc nhà, nằm rải rác trên con đường chính và một vài nhánh nhỏ. Theo suốt dọc con đường chính, những ngôi nhà nhuốm màu sắc thời gian. Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là người Mông và người Hoa. Những ngôi nhà trình tường có tuổi đời đã hơn trăm năm, cánh cửa gỗ cũ kỹ dán những câu đối chữ Hán đã cũ màu, tường nâu rêu mốc, mái ngói âm dương. Cuộc sống giản dị trôi qua từng ngày.
Dinh Vương
Dinh Vương với vị trí rất đẹp được bao quanh bởi hàng cây sa mộc (Ảnh – cungphuot.info)
Trước khi khởi công xây dựng, vua Mèo Vương Chính Đức đã sang Trung Quốc tìm thầy phong thủy sang Việt Nam đi qua khu vực 4 huyện nằm trong quyền cai quản của mình để chọn địa thế đất. Cuối cùng, Vương Chính Đức và thầy quyết định dừng chân tại thôn Xà Phìn, địa thế đất nằm giữa thung lũng Sà Phìn. Đặc biệt, ở nơi đây có một khối đất nổi lên cao như hình mui con rùa, tượng trưng cho thần kim quy. Nếu xây dựng dinh thự tại đây thì sự nghiệp của Vương Chính Đức sẽ thành về sau.
Cổng vào dinh là những bậc thang đá, 2 bên là những hàng cây sa mộc (Ảnh – cungphuot.info)
Sau con đường nằm bên hàng cây sa mộc cao vút, chiếc cổng đá bề thế của dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức ở Sà Phìn (Đồng Văn – Hà Giang) hiện ra trên đỉnh đồi.
Ông Vương Chính Đức và gia đình (Ảnh chụp tại Dinh Vương bởi cungphuot.info)
Vương Chính Đức là người đứng đầu dòng họ Vương của người Mông ở Hà Giang 1 thế kỷ trước. Giàu có nhờ hoạt động trồng, chế biến và buôn bán thuốc phiện xuyên biên giới với Trung Quốc, Miến Điện, ông đã thống lĩnh vùng cao nguyên này và xưng vương.
Ngôi nhà có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, được chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh có 64 buồng được xây 2 tầng tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung (Ảnh – cungphuot.info)
Phía sau cổng đá là tòa nhà tiền dinh hoành tráng của tòa dinh thự. Dinh thự họ Vương được xây trong 8 năm, tiêu tốn khoảng 150.000 đồng bạc trắng. Hầu hết thợ xây dựng là người Hồi vùng Vân Nam và những tốp thợ giỏi nhất người Mông.
Cột cờ Lũng Cú
Lũng Cú, biểu tượng đánh dấu lãnh thổ Tổ quốc nơi cực Bắc (Ảnh – cungphuot.info)
Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đây là một điểm nhỏ trên đoạn đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Nếu mô phỏng một cách tương đối hình dạng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc thành một chóp nón thì hai điểm thấp nhất theo vĩ độ là A Pa Chải, Điện Biên và Sa Vĩ, Móng Cái, còn Lũng Cú là đỉnh của chóp nón này cũng là điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam.
Cột cờ Lũng Cú thực chất chưa phải là Cực Bắc của Việt Nam, điểm cực thực sự này nằm ở dưới dòng sông Nho Quế, nơi mà phải mất cả ngày đường cùng với sự dẫn dắt của những người am hiểu bạn mới có thể đến. Hiện nay, cách cột cờ Lũng Cú khoảng 3km đã có một mốc cực Bắc mang tính biểu tượng khác được xây dựng nằm tại bản Xéo Lủng.
Cột mốc 428
Mốc 428 là một trong những mốc biên giới Việt Trung khá đặc biệt trên địa bàn tỉnh Hà Giang khi đây là mốc gần nhất với cực Bắc (Ảnh – Huyền Nguyễn Thị Thu)
Mốc 428 tuy chưa phải là điểm cực Bắc, nhưng nó là cột mốc xa nhất về hướng Bắc của Tổ quốc, đây là cột mốc biên giới Việt Trung nhất với điểm cực Bắc . Cột mốc cách dòng sông Nho Quế tầm 500m theo đường chim bay. Sông Nho Quế là con sông chung của Việt Nam và Trung Quốc nên nó đồng thời là ranh giới của 2 nước.
Mốc cực Bắc
Mốc cực Bắc tại bản Xéo Lủng (Ảnh – Du Già)
Tại bản Xéo Lủng (cách cột cờ Lũng Cú khoảng 3km), một điểm cực Bắc được xây dựng mang tính biểu tượng. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là điểm có thể đến gần nhất so với cực Bắc của Tổ Quốc. Đứng trên Đài vọng cảnh (mô phỏng Chùa Một Cột) bao quát dải biên cương của chóp nón Cực Bắc, nơi đây sông Nho Quế bắt đầu chảy vào Việt Nam .
Phố cổ Đồng Văn
Một ngôi nhà cổ ở Đồng Văn, hiện khu vực này không còn nhiều mà chỉ còn một số ngôi nhà được bảo tồn và giữ lại (Ảnh – cungphuot.info)
Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn, Đồng Văn, Hà Giang. Khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang và có lịch sử phát triển về kiến trúc, văn hóa hàng trăm năm. Những năm 1880, khi chiếm đóng khu vực này, người Pháp đã có những quy hoạch và để lại những điểm nhấn quan trọng về quy hoạch và kiến trúc, đặc biệt là chợ Đồng Văn (cũ), xây bằng đá trong những năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay.
Chợ Đồng Văn
Chợ cũ Đồng Văn trước kia họp ngay phía sát khu phố cổ (Ảnh – cungphuot.info)
Chợ Đồng Văn là khu chợ cổ, nằm trong quần thể phố cổ Đồng Văn, đây là trung tâm giao lưu kinh tế, trao đổi hàng hoá và văn hoá lớn nhất ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn
Mỗi tuần chợ họp một phiên duy nhất vào ngày Chủ nhật. Vào ngày chợ phiên, khu phố cổ vốn nhỏ bé tĩnh lặng trở nên náo nhiệt đông vui như ngày hội với đủ sắc màu sặc sỡ của trang phục người Dao, Mông, Tày, Nùng, Giáy, Lô Lô…, đổ về từ các ngả núi xuống chợ. Họ đem theo những gùi rau, gùi củi, tay dắt lợn, dắt chó… Có người phải đi từ 3 giờ sáng, vượt qua mấy ngọn núi để xuống cho kịp phiên chợ.
Sau đó, do nhu cầu cần mở rộng, chợ được chuyển sang khu đất rộng đối diện (Ảnh – cungphuot.info)
Nét độc đáo ở phiên chợ Đồng Văn ở những mặt hàng mà đồng bào mang đến chợ, chủ yếu là nông sản, sản vật trong vùng do họ làm ra. Khác với phiên chợ dưới xuôi là người ta đến chợ để mua bán, đồng bào đến phiên chợ Đồng Văn, ngoài việc mua bán, trao đổi hàng hoá thì chợ còn là nơi để mọi người giao lưu, gặp gỡ.
Đèo Mã Pì Lèng
Mã Pì Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc. Đây là một phần của công trình đường Hạnh Phúc, được xây dựng hoàn toàn bằng sức người (Ảnh – edwardkoluor)
Mã Pí Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ “sống mũi con ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa.Tuy nhiên, theo một số người Hmong bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi con mèo”.
Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) trong cao nguyên đá Đồng Văn có độ cao khoảng 2000m so với mặt nước biển, được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một “Tượng đài Địa chất”. Đi trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ mà muốn xuống đến mặt nước của sông phải mất hơn một ngày đường.
Chợ tình Khâu Vai, Mèo Vạc
Vài năm trở lại đây, Hà Giang thường tổ chức lễ hội chợ tình Khâu Vai ngay tại trung tâm xã (Ảnh – Báo Hà Giang)
Lễ hội chợ tình Khâu Vai hàng năm diễn ra tại Thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (tại khu vực mê cung đá – sân khấu ta luy dương) từ ngày 25 đến hết 27/3 âm lịch. Chợ tình Khâu Vai hay còn gọi là chợ tình Phong Lưu nổi tiếng với sự độc đáo “độc nhất vô nhị” trên vùng Cao nguyên đá nơi địa đầu cực bắc, đây là nơi vô cùng lãng mạn của những đôi trai gái yêu nhau, nhưng không đến được với nhau, họ đến nơi đây để tìm lại bóng dáng người xưa ấy mà trái tim đã từng trao thương gửi nhớ. Đó là vào ngày tháng 3 âm lịch hàng năm, họ lại tìm về bên nhau để cùng tâm sự và chia sẻ về nhiều điều buồn vui trong cuộc sống với những cảm xúc nghẹn ngào khó tả.
Từ chiều 26/3 âm lịch, trên các nẻo đường quanh co uốn lượn, dòng người bắt đầu rộn ràng xuống chợ, bước thấp, bước cao vượt qua những dãy núi đá tai mèo lô nhô, những cô gái dân tộc xúng xính trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc xuân của dân tộc mình, những chàng trai trong khuôn mặt tươi sáng rạng ngời bởi sắp trở về với bến đợi yêu thương. Đêm xuống, Chợ tình Khâu Vai trở nên thơ mộng bởi những tiếng khèn Mông gọi bạn tình da diết của những chàng trai đợi bạn, các cô gái sặc sỡ váy hoa, thẹn thùng e ấp. Trong dòng người tấp nập, Chợ tình phong lưu có cả những gương mặt đã vào cái tuổi xưa nay hiếm, vẫn háo hức đi chợ tình để gặp lại người xưa, đơn giản chỉ để chia sẻ kinh nghiệm, thành quả trong lao động sản xuất và để hỏi thăm sức khoẻ mà thôi.
Điều thú vị của Chợ tình là nhiều cặp vợ chồng cùng nhau đến với Chợ tình, đến nơi, chồng tìm bạn của chồng, vợ tìm bạn của vợ. Đặc biệt là họ không ghen tuông mà tôn trọng nhau, bạn của nhau. Thật tuyệt vời vì họ coi đó là sự chia sẻ với cuộc sống tinh thần của người bạn đời. Nhưng những phút giây ngoài chồng, ngoài vợ đó chỉ có và được phép diễn ra hết ngày chợ 27/3. Sau ngày này cửa lòng phải đóng lại và tất cả ai nấy lại trở về với tổ ấm riêng của mình. Có một nét văn hóa sâu sắc ẩn sau phiên chợ tình, là giá trị nhân văn trong đời sống tinh thần của người dân nơi mảnh đất này. Chợ tình Khâu Vai ở Hà Giang giờ không chỉ là nơi tìm về của trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau, mà đã trở thành một không gian hò hẹn của tình yêu, của những tâm hồn đang kiếm tìm hạnh phúc…
3 xã xa nhất của huyện Mèo Vạc
Bao gồm Xín Cái, Thượng Phùng và Sơn Vĩ, trong đó xa nhất là Sơn Vĩ với khoảng cách về đến trung tâm Mèo Vạc gần 50km. Ngoài cửa khẩu Săm Pun cao nhất Việt Nam thuộc Xín Cái, 3 xã này cũng có hệ thống các cột mốc biên giới Việt Nam Trung Quốc chạy dài và cơ bản khá dễ khám phá.
Con đường đi Xín Cái, Sơn Vĩ nhìn từ đèo Mã Pì Lèng (Ảnh – cungphuot.info)
Từ trung tâm Mèo Vạc đi về phía đèo Mã Pì Lèng, ngay chân đèo sẽ có một đường nhỏ rẽ đi Xín Cái, đây chính là con đường để tới 3 xã này. Chặng đường khoảng gần 50km với rất nhiều các con đèo, dốc uốn lượn cùng các đoạn cua tay áo đảm bảo sẽ mang lại cho các bạn những cảm giác choáng ngợp, ngỡ ngàng bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên nơi đây.
Bài viết được sưu tầm từ các trang web khác nhau.