Hà Giang đã đi là chẳng muốn về!

Mình có hẹn với Hà Giang từ rất lâu rồi, nhưng vì nhiều lý do mà phải đến đầu tháng 7 vừa rồi mình mới thực hiện được chuyến đi lần đầu tiên đến với Cao Nguyên Đá. Kể ra thì cũng may và cũng hay, lần đầu tiên mình chạm chân tới Hà Giang nhưng đồng thời Hà Giang cũng là điểm dừng chân cuối cùng trong chuỗi hành trình khám phá văn hóa, ẩm thực miền Bắc của mình.

Mình đến Hà Giang chẳng phải mùa hoa tam giác mạch hay những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín vàng ươm. Nhưng đối với mình, điều làm mình ấn tượng về mảnh đất này chính là những cung đèo ẩn hiện sau màn sương, hay vẻ đẹp cũng những bản làng cùng sự thân thiện của những đứa trẻ vùng cao. Nhiêu đó thôi cũng đủ khiến mình đi mà chẳng muốn về rồi!

Vì là lần đầu đến với Hà Giang nên có lẽ mọi thứ đều rất mới đối với mình. Bởi vậy bài chia sẻ này mình sẽ chỉ tóm tắt lại những nơi mình đã đi qua, những thứ mình đã trải nghiệm dựa trên góc nhìn cá nhân hy vọng sẽ hữu ích cho những bạn đang có dự định tới Hà Giang vào mùa lúa chín này.

THỜI GIAN: 4 ngày 3 đêm.

Chi phí: 1.650k/1 người.

Tổng quãng đường: 450km

CHUẨN BỊ:

Mình đến Hà Giang vào khoảng đầu tháng 7, thời tiết lúc này bắt đầu có mưa vì vậy trước khi đi mình có chuẩn bị sẵn áo mưa mỏng, loại mặc 1 lần thôi ý. Cũng không quên đem theo đôi ủng đi mưa mưa tại Tokyo Life, các bạn ra bất kỳ cửa hàng nào của Tokyo Life đều có sẵn nhé, lại còn đang sale nữa đấy.

Kế đến là mang theo 1 chiếc áo khoác gió, tốt nhất các bạn nên mặc loại gió mà có thể đi được dưới trời mưa nhỏ ý. Đấy là những thứ mình thấy các bạn nên mang theo nhé. Nhưng lưu ý là nên mang ít đồ thôi vì các bạn sẽ phải di chuyển nhiều và không ngủ cố định 1 chỗ đâu nên việc mang ít hành lý sẽ thuận tiện hơn.

DI CHUYỂN:

Chúng mình đặt xe giường nằm xuất phát từ bến xe Mỹ Đình lúc 9h tối, lên tới trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 3h30 sáng. Bước chân đầu tiên xuống xe, âm thanh, tiếng động đầu tiên mình tiếp nhận được là tiếng mưa rào rào rào. Ôi choa, lúc đó nghĩ “thôi xong rồi” không biết sáng mai có đi được không nữa. Mấy đứa quay sang nói với nhau thôi kệ đi, vào nhận phòng đã rồi mai tính tiếp. À, mình đặt xe và thuê xe máy bên Hà Giang Epic nên khi đến chúng mình được nghỉ lại miễn phí.

Mình có recommend cho các bạn thuê xe máy di chuyển tại Hà Giang. Nếu bạn nào tay lái cứng, nhất là những bạn nam có thể chạy xe tay côn thì nên thuê xe cào cào để chạy. Ưu điểm của những chiếc này là khỏe, chạy đầm xe và gầm cao. Rất phù hợp cho những cung đường đèo hiểm trở tại Hà Giang. Còn với các bạn nữ như mình thì nên thuê xe sirius, ưu điểm của nó thấp, dễ lái nhưng hơi yếu nếu các bạn đi 2 người. Giá cho thuê xe ở đây có giá chung rồi nên các bạn không sợ bị chặt chém gì đâu.

———

LỊCH TRÌNH CHI TIẾT:

Ngày 1: Km Số 0 – Dốc Bắc Sum – Cổng Trời Quản Bạ – Núi Đôi Cô Tiên – Dốc Cán Tỷ – Dốc Thẩm Mã – Dốc Chín Khoanh – Nhà Của Pao – Dinh Thự Vua Mèo.

1. Km Số 0: Có lẽ do quãng đường di chuyển khá xa nên buổi sáng đầu tiên chúng mình xuất phát hơi muộn. 8h00 chúng mình bắt đầu dắt xe ra, chẳng balo cẩn thận, đội mũ bảo hiểm, áo phản quan và đi ăn sáng. Vì là lần đầu đến với Hà Giang nên hành trình 4 ngày 3 đêm của chúng mình được chèo lái bởi anh thổ địa có kinh nghiệm lâu lăm dẫn đoàn. Mình nghĩ vấn đề này khá quan trọng đối với những bạn đến Cao Nguyên Đá lần đầu, nếu các bạn không rành đường đi thì nên đi tour hoặc có thổ địa dẫn đi là tốt nhất.

Xăng đã được đổ đầy bình, chúng mình lên đường bắt đầu hành trình. Điểm đầu tiên mình nghĩ ai đến với Hà Giang hẳn đều check-in đó là cột mốc số 0. Dừng chân ở đây chụp ảnh khoảng 20 phút rồi chúng mình theo chân anh thổ địa lên đường khám phá Cao Nguyên Đá.

2. Dốc Bắc Sum: Nghe một anh người dân ở đây nói nếu chúng mình đi sớm hơn có thể đón bình minh ở Dốc Bắc Sum, nhưng vì xuất phát muộn nên thôi hẹn dịp khác vậy. Từ cột mốc sô 0 di chuyển lên đoạn Dốc Bắc Sum mất khoảng chừng trên dưới 40km, 2 đứa vừa đi vừa “wow, ồ, ố, á” vì cảnh đẹp 2 bên đường nên mất hơn 1 tiếng mới đến nơi. Đến nơi dừng xe chụp hình ngắm cảnh 1 lúc rồi chúng mình lại lên đường cho kịp giờ.

3. Cổng Trời Quản Bạ: Tiếp tục men theo con đường quanh co uốn lượn chứng khoảng 20km, chúng mình đã đến điểm tiếp theo Công Trời Quản Bạ và Núi Đôi Cô Tiên. Từ Cổng Trời Quản Bạ các bạn có thể nhìn thấy 2 ngọn núi nhìn giống như 2 chiếc bát úp ngược, khá tương đồng nhau nên người ta liên tưởng đến 1 bộ phần trên cơ thể người phụ nữ. Ngắm cảnh xong, chúng mình di chuyển xuống chân núi ngồi uống café, nghe anh thổ địa chia sẻ về nguồn sự xuất hiện của núi đôi Cô Tiên, sau đó chúng mình di chuyển qua Dốc Cán Tỷ về TT Yên Minh dùng bữa trưa.

4. Dốc Thẩm Mã: Ở đây mọi người sẽ bắt gặp nhiều em bé với những chiếc gùi đầy hoa tươi trên lưng, với khuôn mặt lấm lem cùng bộ quần áo dân tộc truyền thống của dân tộc mình. Mình rất thích chụp ảnh với các em nhỏ, ở nhiều nơi mình từng đi, phải cho tiền tụi nhỏ mới chịu cho chụp chung. Nhưng ở đây không thế, những em bé ở Dốc Thẩm Mã thấy mình giơ máy ảnh lên chụp lúc đầu có hơi ngại nhưng sau quen rồi chúng cho chụp. Ngồi nghe các em kể chuyện 1 lúc thì chúng mình lên đường tới Dốc Chín Khoanh.

5. Dốc Chín Khoanh: Dừng chân tại đoạn đèo nổi tiếng nhất của Hà Giang, Dốc Chín Khoanh, bọn mình lại phải trầm trồ vì cảnh tượng nơi đây thực sự hùng vĩ. Những con dốc ngoằn ngoèo uốn lượn nối đuôi nhau tạo nên một cung đường có phần nguy hiểm nhưng không kém phần độc đáo. Mình được biết đoạn dốc này là nằm trên dốc Bắc Sum, chính con đèo này làm nên điểm nhấn cho dốc Bắc Sum. Đoạn này đường cua liên tục các bạn chú ý khi cầm lái nhé.

6. Nhà của Pao: Từ dốc chín khoanh, chúng mình tiếp tục di chuyển khoảng 10km nữa để đến được Sủng Là, nơi có ngôi nhà của Pao nổi tiếng trong phim “Chuyện của Pao”. Mình thì không có mấy ấn tượng với địa điểm này, có thể với mình những vật dụng ở đây đã quá quen thuộc với mình rồi. Điều mình ấn tượng nhất ở ngôi nhà này chính là bức tường đá bên ngoài cổng. Nếu đi vào dịp mùa đông, thời tiết lạnh có chút sương chụp ảnh khá giống mấy bộ phim bên Hàn đấy. À bên trong nhà của Pao có để những chiếc gùi hoa, mùa này không có hoa cải nên họ để những bông ngô bên trong, nếu các bạn chụp ảnh sẽ mất tiền nhé, 20k 1 lần chụp đó.

7. Dinh Thự Họ Vương: Rời Nhà của Pao lúc 5h00, trời bắt đầu tối dần, khi tới Dinh Thự Họ Vương thì đã đóng cửa rồi nên chúng mình không kịp vào bên trong, chỉ đứng bên ngoài nghe anh thổ địa dẫn đoàn chia sẻ và chụp hình thôi. Sau đó lên đường về phố cổ Đồng Văn nghỉ ngơi.

Lưu trú: Chúng mình lưu trú tại khách sạn Phùng Thanh, và đặt ăn tối ở đây luôn. Phòng sạch sẽ, rộng rãi giá cũng hợp lý quan trọng là chị chủ vui tính, nhiệt tình. Ăn tối xong đoàn chúng mình ra Café Phố Cổ ngồi tán gẫu, ngồi được 1 lúc thì xuất hiện nhân vật A Páo, hát rất hay, vui tính và hài hước. Như vậy là chúng mình đã kết thúc hành trình dài 185km cho ngày đầu tiên, mệt nhưng mà vui.

Ngày 2: Cột Cờ Lũng Cú – Sông Nho Quế – Hẻm Tu Sản.

Ăn Sáng: Chúng mình đến Đồng Văn không phải ngày cuối tuần nên không có dịp trải nghiệm phiên chợ phiên vùng cao. Hẹn lần tới quay lại vậy. Buổi sáng, đoàn chúng mình di chuyển ra phố cổ ăn sáng món bánh cuốn bà Hà nổi tiếng tại Đồng Văn. Bánh cuốn ở đây vị rất lạ, không giống với những loại bánh cuốn mình từng ăn dưới Hà Nội. Nước chấm ở đây dùng là nước hầm xương, ăn với dưa muối vị rất lạ nhưng ăn rất ngon miệng. Nếu bạn nào không dùng được món bánh cuốn ở đây thì có thể ăn món xôi ngũ sắc kèm với ruốc và hành khô. Ăn xong chúng mình đi mua áo cờ đỏ sao vàng để chuẩn bị xuất phát lên cột cờ Lũng Cú.

1. Cột Cờ Lũng Cú: Ăn sáng xong đoàn chúng mình bắt đầu lên đường. Do xuất phát hơi muộn nên khi tới Cột Cờ cũng đã gần 11h rồi, trời khá nắng. Chúng mình mua vé và leo bộ khoảng 300 bậc đá là đến được chân cột cờ. Ngồi nghỉ ngơi 1 lúc rồi chúng mình di chuyển lên ngọn cờ, càng lên cao không khí càng loãng, nhưng cảm giác được chạm tay vào lá cờ Tổ Quốc thật sự rất hạnh phúc, cảm xúc khó tả lắm. Vì cũng đã quá giờ ăn trưa rồi, nên cả đoàn mình không ra cột mốc 422 nữa, nếu các bạn có thời gian thì có thể ghé qua đây check-in với cột mốc này, cách vị trí cột cờ khoảng 2km thôi.

2. Sông Nho Quế: Trở về từ cột cờ Lũng Cú đến Sông Nho Quế cho quãng đường đài 12km từ Đồng Văn đến bến Tà Nàng. Đoạn đường xuống bến thuyền thực sự là rất phiêu đối với đứa con gái ưa mạo hiểm như mình, những đoạn đường cua tay áo, góc cua hẹp, 2 bên là vực sâu thăm thẳm, cả con đường chỉ đủ cho 1 xe máy chạy. Chạy xuống tới bến Tà Nàng thì cũng đã gần 2h chiều, bụng ai cũng meo móp vì đói, mặt nhăn hết lại vì nắng và mệt nên cả đoàn nhanh nhanh ra thuyền đến bến Mèo Vạc ăn trưa.

Ăn trưa xong chúng mình lên thuyền ngắm cảnh chụp hình ở Hẻm Tu Sản, hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á. Khuyên các bạn đi sớm 1 chút, tránh đi chiều muộn qua hẻm Tu Sản rất lạnh đó. Chụp hình ngắm cảnh xong, chúng mình thay đồ trèo thuyền kayak trên dòng sông Nho Quế. Trải nghiệm này mình khuyên các bạn nên thử nhé, cảm giác rất chill nhất là khi các bạn đi đông còn vui hơn nữa. Có lẽ vì mất quá nhiều thời gian cho khoản chèo thuyền kayak nên ngày thứ 2 của chúng mình đã kết thúc tại Sông Nho Quế.

Lưu trú: Buổi tối thứ 2 chúng mình lưu trú tại Clay House. Homestay đẹp, đầy đủ và tiện nghi với mức giá 600k/1 đêm mình thấy khá hợp lý cho hạng phòng tương đương khách sạn 3 sao. Có lẽ vì về tối muộn quá nên chưa kịp cảm nhận không gian xung quanh, sáng hôm sau thức dậy, mở mắt ra ôi choa phía trước phòng mình là cả 1 đồi ngô xanh mướt, không gian thân thiện với thiên nhiên. Cảm giác rất dễ chịu.

Ngày 3: Đèo Mã Pí Lèng – Mỏm Đá Cô Đơn – Bãi Đá Tai Mèo.

1. Đèo Mã Pí Lèng: Chúng mình ăn sáng tại homestay, sau đó lên đường chinh phục con đèo Mã Pí Lèng. Đèo Mã Pí Lèng được ví như là 1 trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin. Thời tiết ngày hôm nay không được đẹp như 2 ngày đầu, nhưng bù lại nó giúp chúng mình chạy xe không bị mệt như những ngày trước. Mình đi vào thời điểm này cũng khá may mắn, dòng nước trên sông Nho Quê xanh ngắt, vừa đi đường vừa dừng lại chụp hình cuối cùng chúng mình cũng tới quán café A Páo.

2. Mỏm Đá Cô Đơn: Để tới mỏm đá này, chúng mình phải chạy qua 1 con đường nhỏ mình cũng không biết tên là gì, chỉ nhớ cảm giác ngồi sau tay lái mà tim như muốn ngừng lại, 1 bên là vách núi còn 1 bên là vực thẳm, thực sự là rất nguy hiểm. Bạn nào tay lái yếu mình nghĩ không nên thử ở đoạn đường này, nhất là vào những ngày trời mưa, mây mù còn nguy hiểm hơn. Tuy nhiên khi vượt qua được cảm giác sợ hãi này, được đứng trên mỏm đá thì cảm giác lại rất tuyệt, rất phiêu. Đường lên mỏm đá khá khó đi, các bạn cẩn thận kẻo rách chân nhé. Đứng trên mỏm đá này, các bạn có thể nhìn được toàn cảnh dòng sông Nho Quế xanh ngắt, hay cùng đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ, bao la.

3. Hà Giang: Sau khi chụp hình tại Bãi Đá Tai Mèo, chúng mình bắt đầu lên xe trở về thành phố Hà Giang, kết thúc 3 ngày trải nghiệm Cao Nguyên Đá. Về tới Hà Giang cũng khoảng 8h30 vì lý do 2 đứa mình bị lạc với không quen đường đèo nên đi chậm.

Ngày 4: Café Núi Cấm – Hà Giang – Hà Nội.

Đúng như dự tính, sau 3 ngày vật lộn trên đường với những cung đèo đi vào lòng người thì chân tay, mặt mũi chúng mình bơ phờ ra. Vậy nên quyết định ở lại Hà Giang thêm 1 ngày nữa quả là sáng suốt. Hai đứa ngủ như chưa bao giờ được ngủ, ngủ không biết trời đất là gì.

Tỉnh dậy chúng mình đi ăn phở Bát Đá uống trà San Tuyết sau đó đi café núi Cấm ngắm toàn cảnh Hà Giang từ trên xuống. Đường đi hơi khó tìm, tuy nhiên các bạn có thể hỏi người dân ở đây họ sẽ chỉ đường cho, đường đi lên khá dốc, nên mọi người chú ý nhé. Ngồi trên này nhâm nhi ly café, nhìn ngắm toàn thành phố khá hấp dẫn, tuy nhiên mình gọi ý cho các bạn nên đến vào buổi tối sẽ đẹp hơn.

16h00 chiều, chúng mình lên xe trở về Hà Nội. Kết thúc hành trình dài 4 ngày 3 đêm dài 450km trải nghiệm, khám phá Hà Giang. Mình biết với khoảng thời gian ngắn như vậy chắc chắn còn nhiều nơi mình chưa đặt chân tới, chắc chắn sẽ quay lại vào mùa hoa tam giác mạch để có thêm 1 trải nghiệm khác về Cao Nguyên Đá Đồng Văn.

KINH NGHIỆM SỐNG CÒN CỦA MÌNH:

1. Nếu bạn nào chạy được xe côn thì nên thuê để chạy nhé. Xe côn vừa khỏe vừa đầm hơn nữa bình xăng ở phía trước rất tiện cho mỗi lần đổ xăng.

2. Nếu đi xe số, khi các bạn buộc hành lý nhớ chừa cái yên xe ra để khi đổ xăng đỡ phải dỡ hành lý xuống, như vậy rất mất thời gian.

3. Thời tiết Hà Giang thay đổi thât thường, bạn nên mang áo mưa nhỏ theo, đặc biệt vì là vùng núi nên khi trời tối nhiệt độ hạ thấp, lạnh lắm, bạn cần có thêm 1 chiếc áo khoác gió mỏng.

4. Chạy xe luôn chú ý kim xăng, đừng như bọn mình mải chạy quá, kim xăng về số 0 từ rất lâu rồi mà không biết. Đến lúc hết thực sự là 1 bi kịch trong cuộc đời đấy.

5. Nếu được mình khuyên các bạn lên lịch trình đi phù hợp, chứ như bọn mình chỉ chạy xe hoài mà không có nhiều thời gian trải nghiệm khám phá.

6. Hành lý mình nghĩ chỉ mang những cái gì cần thiết thôi, còn lại để ở nhà hết vì các bạn sẽ không lưu trú ở 1 chỗ, mà di chuyển liên tục vì vậy mang ít đồ sẽ thuận tiện cho việc di chuyển.

7. Nắng Hà Giang thì đen thôi rồi, mình đi tháng 7 mà còn cháy hết tay, vì vậy việc bôi kem trống nắng là điều cần thiết không riêng gì các bạn nữ đâu.

8. Nên mang theo áo phản quang. Mình thuê xe đã có luôn rồi, với những bạn thuê xe mà không có thì nên chuẩn bị vì nó thực sự rất cần thiết khi các bạn chạy buổi tối.

Hy vọng qua bài chia sẻ này các bạn sẽ có được những thông tin hữu ích khi đến với Hà Giang đặc biệt với những bạn lần đầu đến nơi đây giống như mình. Good luck for your Trip!

Leave a Reply

0934 599 193
Ms.Giang: 0934 599 193