Tháp Rùa, cầu Long Biên, chùa Trấn Quốc… hiện lên khác lạ trong màn sương của tiết trời lạnh ẩm tháng 3
Tháp Rùa
Ngọn tháp xây năm 1886 nằm giữa hồ Hoàn Kiếm, trung tâm thành phố Hà Nội. Thời Pháp thuộc, trên đỉnh tháp còn có phiên bản tượng Nữ Thần Tự Do bằng đồng, thường được biết đến với tên gọi tượng bà đầm xoè và đã bị dỡ xuống năm 1896. Sau này, dân làng Ngũ Xã đã nấu chảy bức tượng để lấy đồng đúc tượng Phật. Hồ Hoàn Kiếm còn có nhiều tên gọi khác như Lục Thủy, Tả Vọng.
Cầu Thê Húc
Năm 1865 dưới triều Tự Đức, Nguyễn Văn Siêu cho xây cầu nối bờ với đền Ngọc Sơn và đặt tên là Thê Húc, nghĩa là “giọt ánh sáng đậu lại” hay “Ngưng tụ hào quang”. Cầu gồm 15 nhịp, 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng. Cây cầu dẫn lối du khách vào đền Ngọc Sơn, nằm trên đảo Ngọc của hồ Hoàn Kiếm. Bên trong đền ngoài các bức tượng thờ còn trưng bày tiêu bản rùa hồ Gươm. Đền Ngọc Sơn đón khách tham quan từ 7h đến 18h các ngày trong tuần, giá vé vào cửa với người lớn là 30.000 đồng mỗi người, 15.000 đồng với trẻ em.
Chùa Trấn Quốc
Trải qua lịch sử gần 1.500 năm, Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất Hà Nội, cũng là một trong những công trình tâm linh cổ nhất Việt Nam, nằm gần cuối đường Thanh Niên. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ uy nghiêm, cổ kính trên nền tĩnh lặng của hồ nước rộng lớn. Từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và Trần, ngày nay, chùa Trấn Quốc không chỉ là nơi lui tới cầu an của các Phật tử, mà còn là điểm vãn cảnh lý tưởng cho du khách. Dịp đầu năm, đầu tháng và các ngày rằm theo Âm lịch là lúc chùa Trấn Quốc đông người nhất.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh yên nghỉ sau khi qua đời, nằm trước quảng trường Ba Đình. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách xếp hàng để vào Lăng và lượng người càng đông hơn trong dịp Quốc khánh 2/9. Lăng mở cửa 7h30-10h30 các ngày trừ thứ 2 và thứ 6. Mùa đông và cuối tuần, thời gian trên có thể thay đổi. Vào 6h và 21h hàng ngày tại quảng trường Ba Đình còn diễn ra nghi lễ thượng và hạ cờ.
Cầu Long Biên
Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, do Pháp xây dựng, đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ 1899 – 1902 – Daydé & Pillé – Paris. Đây là cây cầu duy nhất ở Hà Nội đi theo chiều bên trái. Cầu Long Biên cũng là một biểu tượng của thành phố Hà Nội bên cạnh hình ảnh Khuê Văn Các, tháp Rùa…
Kain Schneider, du khách Đức, chia sẻ: “Mọi thứ hiện lên trong màn sương rất khác với những bức ảnh trên mạng về Việt Nam mà tôi xem trước khi đến đây, rất đẹp và đáng nhớ. Tôi đã ở đây hai ngày, không khí dễ chịu, đặc biệt vào buổi sáng”.
Cầu Chương Dương
Cây cầu dài 1,2 km khánh thành vào năm 1985 nhằm giảm tắc nghẽn trên cầu Long Biên kéo dài nhiều năm. Nằm song song với cầu Long Biên, cầu Chương Dương là cây cầu lớn đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế và thi công mà không có sự giúp đỡ của kỹ sư nước ngoài. Đây cũng là tuyến đường nối quận Hoàn Kiếm của Hà Nội thẳng đến các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn theo quốc lộ 1A.
Hồ Trúc Bạch
Chia cách với hồ Tây bởi đường Thanh Niên, hồ Trúc Bạch thường được nhiều người dân thủ đô chọn làm nơi tập thể dục, thư giãn do không gian nhiều cây xanh. Đối với khách du lịch, hồ Trúc Bạch hấp dẫn với hoạt động đạp vịt, quán cà phê trên du thuyền và nhiều hàng ăn uống ở khu Ngũ Xã gần hồ. Ngay bên đường Thanh Niên còn có hàng hoa ban nở nhiều trong tháng 3, thu hút nhiều người đến tham quan, chụp ảnh.
Hồ Tây
Với diện tích mặt nước hơn 500 ha, hồ Tây là hồ tự nhiên lớn nhất Hà Nội. Các hoạt động thể thao dưới nước đặc biệt là chèo thuyền diễn ra phổ biến tại đây. Ngoài ra, ở đây còn có tuyến đường ven hồ hấp dẫn du khách bởi cảnh đẹp, tầm nhìn rộng và không khí trong lành. Tuyến đường này cũng đưa khách du lịch đi qua hàng loạt công trình nổi tiếng của Hà Nội như chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, thung lũng hoa, công viên nước…